Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn dựa vào Nhân dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Lãnh đạo Công an tỉnh trao Bằng khen của Bộ Công an cho các tập thể đạt thành tích cao trong Phong trào TDBVANTQ năm 2022 |
Nhất quán với quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Chỉ thị số 186-CT/TW, ngày 17/2/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng nêu rõ “Phong trào bảo vệ trị an là một cuộc vận động quần chúng rộng rãi, nhằm giáo dục quần chúng đảm đương sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ an toàn cho đời sống hàng ngày. Đó là hình thức tốt nhất để phát huy tính tích cực của quần chúng trong công tác đấu tranh chống kẻ địch để giữ gìn trật tự chung”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhấn mạnh: “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh Nhân dân vững chắc..., xây dựng lực lượng Công an Nhân dân (CAND) vững mạnh toàn diện; kết hợp lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách các cơ quan bảo vệ pháp luật với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) trong thời kỳ toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đặc biệt, ngày 11/12/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trong tình hình mới”, một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng Nhân dân, các đoàn thể chính trị trong sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Cũng trong tiến trình đó, sự phát triển, trưởng thành và lớn mạnh của lực lượng CAND luôn gắn liền với Phong trào TDBVANTQ, mà nổi bật là “Ngày hội toàn dân BVANTQ”. Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của lực lượng CAND luôn gắn liền với những hình thức, tổ chức và tập hợp quần chúng thành phong trào cách mạng rộng lớn, đem lại sức mạnh để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua những khó khăn, thách thức, có lúc hiểm nghèo, giữ vững thành quả cách mạng; thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc; tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Cùng với đó, lực lượng công an đã chủ động tham mưu phục vụ Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự trong toàn quốc thành Phong trào Quần chúng BVANTQ.
Ngày 7/4/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 3137/KH-BCĐ tổ chức Ngày hội TDBVANTQ trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đặt ra yêu cầu, mục đích nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân trong sự nghiệp BVANTQ và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào và công tác xây dựng Phong trào TDBVANTQ. |
Công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp Nhân dân tham gia Phong trào BVANTQ. Phong trào đã có bước phát triển khá sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, cụ thể của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn cụ thể; nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến sản xuất được nhân rộng trong toàn quốc.
Tại Lâm Đồng, phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, nhận thức về công tác phòng, chống tội phạm, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân viên, các đoàn thể được nâng lên một cách rõ rệt. Các tổ chức quần chúng làm công tác an ninh trật tự tại các xã, phường, thị trấn đã được củng cố, bổ sung đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 100 mô hình được nhân rộng tại gần 2.200 điểm trong Phong trào TDBVANTQ đang duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả theo từng lĩnh vực cụ thể. Nổi bật ở các xã, phường là các mô hình phòng, chống tội phạm, tự quản về an ninh, trật tự, như “Cam-era an ninh”; “Tổ liên hộ tự quản về an ninh, trật tự”; “Đội xung kích bảo vệ ANTT”; “Đội dân phòng”; tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có các mô hình, như “Tổ thanh niên DTTS tự quản về ANTT”, “Đồng bào DTTS tự phòng, tự quản, đảm bảo ANTT và vệ sinh môi trường”, “Phụ nữ DTTS chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”; trong khối cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, Mô hình “Dân vận khéo trong thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân”, “Đẩy mạnh cải cách hành chính - Vì Nhân dân phục vụ”, “Dịch vụ công trực tuyến”…
Về phía Công an tỉnh, đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đẩy mạnh hoạt động tự phòng, tự quản, tự bảo vệ và tự hòa giải từ cơ sở. Hiện có 154 Tổ tuần tra nghĩa vụ (942 thành viên), 1.367 Đội dân phòng (12.154 thành viên), 1.169 Tổ hòa giải (6.380 thành viên); 250 Đội tuần tra “Dân cử, dân nuôi” (1.853 thành viên), 910 Tổ tự quản về ANTQ (10.354 thành viên)... Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có những mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong Phong trào TDBVANTQ được Bộ Công an và Công an tỉnh đánh giá cao, nổi bật như Mô hình: “Giáo họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại TP Bảo Lộc; “Đội PCCC&CHCN tự quản” tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương; “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” tại huyện Bảo Lâm...
Cùng với đó, thông qua phong trào, quần chúng Nhân dân cũng đã phát hiện, cung cấp trên 15.500 tin có giá trị, giúp các lực lượng chức năng điều tra làm rõ trên 7.078 phạm tội về trật tự xã hội; bắt, khởi tố hàng trăm vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, môi trường và ma túy; bắt và vận động ra đầu thú 749 đối tượng có lệnh truy nã… Theo thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh có 111/111 xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự và đảm bảo bình yên trong Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới.
Có thể nói, xây dựng Phong trào TDBVANTQ là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, xuyên suốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Phong trào TDBVANTQ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được xây dựng, củng cố trên nhiều mặt, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào việc đảm bảo an ninh, trật tự, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin