Chi trên 17 tỷ đồng cho công tác phòng, chống mại dâm giai đoạn 2003-2023

CHÍNH THÀNH 15:57, 17/10/2023

(LĐ online) - Thực hiện Quyết định ngày 28/8/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo tình hình, kết quả thi hành pháp luật phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh từ năm 2003 đến nay.

Theo UBND tỉnh, địa phương có nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng nên hằng năm số lượng khách đến tham quan, du lịch đông. Nhiều đối tượng lợi dụng đặc thù du lịch, tổ chức mạng lưới môi giới hoạt động mại dâm như tài xế taxi, xe ôm… Các cơ sở dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng. Người bán dâm chủ yếu là một số tiếp viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc sử dụng môi trường internet, mạng xã hội để hoạt động, chào mời, thỏa thuận việc mua bán dâm. Một số vụ việc có sự tham gia của đối tượng môi giới mại dâm

Theo thống kê toàn tỉnh hiện có 2.585 cơ sở lưu trú; 261 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage; 595 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội (305 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; 184 cơ sở karaoke, massage, bar và 106 loại hình khác). Giai đoạn 2003 - 2023, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 214 người mua dâm và 214 người bán dâm; khoảng 800 nhân viên nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (massage, karaoke, bar), đa số là người ngoài tỉnh. 

Giai đoạn 2003-2023, tổng số kinh phí chi cho công tác phòng, chống mại dâm là 17,505 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 3,040 tỷ đồng, kinh phí địa phương là 14,465 tỷ đồng.

Có 3.810 lượt người bán dâm được tiếp cận, hỗ trợ: 383 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 796 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 101 người được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm; 20 người được vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn là 375 triệu đồng; 10.620 lượt người có nguy cơ được tiếp cận chương trình bao cao su miễn phí; 492 lượt người có nguy cơ được xét nghiệm HIV, không có trường hợp nào dương tính.

Theo đánh giá, trải qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và nhiều năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm qua các giai đoạn, tệ nạn mại dâm ở tỉnh Lâm Đồng đã được kiềm chế về tốc độ và phạm vi; số tụ điểm mại dâm công cộng không còn; giảm hoạt động mại dâm trá hình; ngăn chặn, giảm số đối tượng tham gia hoạt động mại dâm, đặc biệt không có mại dâm trẻ em, người chưa thành niên.