Qua tổng kết của Trung ương, tỉnh Lâm Đồng được xem là địa phương điển hình trên cả nước có nhiều cách làm sáng tạo trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tạo được niềm tin, sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng ở Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực |
Từ cuối tháng 6/2022, Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Lâm Đồng được thành lập. Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC là chủ trương có ý nghĩa quan trọng góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đối với công tác PCTNTC theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; là sự quyết tâm của toàn Đảng bộ trong công tác đặc biệt quan trọng này.
Bởi vậy, từ sau khi được thành lập cho đến nay, Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh đã tiến hành trên 20 đoàn đi kiểm tra công tác PCTNTC ở cơ sở. Hiện có hơn 10 vụ án, vụ việc nổi cộm được đưa vào diện theo dõi để tập trung chỉ đạo xử lý.
Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Trần Đức Quận đã đề nghị các đồng chí trong Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát các quy định của Trung ương và Quy chế làm việc, nhiệm vụ được phân công để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTNTC tại các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công theo dõi, phụ trách.
Ghi nhận tại Ban Nội chính Tỉnh ủy, thời gian qua, đơn vị này đã đưa ra 9 ý tưởng về phòng, chống tham nhũng. Trong đó điển hình có việc áp dụng quy định “mua tin”. Qua đó thu thập rất nhiều thông tin ở các cá nhân, tập thể, phục vụ tốt, hiệu quả cho việc đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, các giải pháp: công khai, minh bạch các cơ chế chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với công tác kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm gắn với việc xử lý nghiêm sai phạm; hay việc các Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh IOC ở các địa phương trong toàn tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động đã nâng cao khả năng giám sát hiện trường trực tuyến, phát hiện các vụ việc phát sinh ở cơ sở, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại… là những giải pháp được các ngành, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh thực hiện. Điều đó đã góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh do đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh cũng đã làm việc trực tiếp với các huyện về nội dung này. Từ thực tiễn kiểm tra, làm việc tại các địa phương, đồng chí Trần Đình Văn và đoàn công tác đã chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại ở các địa phương và gợi ý các giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc thù từng địa phương để khắc phục. Và để công tác PCTNTC thực sự đạt hiệu quả ở cơ sở, đồng chí Trần Đình Văn đã yêu cầu, các địa phương cần quán triệt sâu sắc trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nhiệm vụ PCTNTC để tập trung triển khai quyết liệt, thường xuyên, hiệu quả. Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong toàn bộ máy, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu. Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm các quy định liên quan đến tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết xử lý nghiêm. Trường hợp nếu có dấu hiệu hình sự, phải khởi tố điều tra theo quy định. Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch về công tác PCTNTC đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Chấp hành tốt các nguyên tắc của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ trong PCTNTC, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Với những nỗ lực rất lớn của lãnh đạo tỉnh trong thực hiện công tác PCTNTC, nên trong các buổi tiếp xúc cử tri để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, các đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã phấn khởi thông tin tới bà con công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, đạt được nhiều kết quả. Cụ thể: Lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan đã quan tâm, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi thẩm quyền. Toàn tỉnh đã thực hiện 96 cuộc thanh tra hành chính và 1.063 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra hành chính, đã phát hiện sai phạm với số tiền trên 3,2 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã ban hành quyết định thu hồi, quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 5,8 tỷ đồng. Kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế qua thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Cũng qua thanh tra, phát hiện 1 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, đã chuyển cơ quan điều tra để làm rõ. Từ đầu năm đến nay, có 7 vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác điều tra, hiện nay đang được xử lý theo quy định; có 18 vụ việc liên quan đến hành vi tham nhũng từ năm trước chuyển sang, hiện đã xử lý 2 vụ, còn lại 16 vụ đang xử lý theo quy định.
Xác định rõ PCTNTC là cuộc chiến dài và nhiều cam go, đồng chí Trần Đức Quận yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, với quyết tâm đấu tranh PCTNTC có hiệu quả tốt nhất. Phải chủ động kiểm tra, giám sát PCTNTC thuộc địa phương, đơn vị mình quản lý, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm. Qua đó, kịp thời ngăn ngừa, khắc phục hạn chế sai phạm, giảm sai sót...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin