Công an tỉnh Lâm Đồng đã mở đợt cao điểm vận động người dân giao nộp và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Công an huyện Đam Rông thực hiện hiệu quả Chương trình Vận động thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ |
Với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an các huyện, thành phố và cấp xã trong toàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau đến người dân trong thực hiện giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Vận động người dân tích cực tố giác, phối hợp với lực lượng công an ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Để thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, công an huyện, thành phố trên toàn tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo.
Đơn cử như tại huyện Đức Trọng, một số người dân thường có thói quen sử dụng các vũ khí tự chế đi săn bắn. Điều này, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ. Thượng tá Lê Thái - Trưởng Công an huyện cho biết: Thực hiện đợt cao điểm, lực lượng công an huyện và các xã, thị trấn đã đồng loạt ra quân triển khai công tác thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo. Công an huyện đã thu hồi được 8 súng săn, súng tự chế, 17 vũ khí thô sơ các loại.
Còn Công an huyện Đam Rông đã thu hồi được 12 súng kíp và 1 nòng súng, 3 súng cồn, 17 vũ khí thô sơ. Thượng tá Nguyễn Song Hào - Trưởng Công an huyện Đam Rông khẳng định: “Mô hình “Vận động thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ an ninh trật tự và Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đặc biệt là trong công tác thu hồi và phòng, chống tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác tuyên truyền, vận động giao nộp, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Cấp ủy, lãnh đạo Công an huyện đã đánh giá tính hiệu quả của mô hình và chỉ đạo Công an cấp xã xây dựng kế hoạch để nhân rộng trên địa bàn toàn huyện trong thời gian tới”.
Từ hiệu quả của Chương trình “Vận động thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, Công an tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục bám địa bàn, phối hợp với hệ thống chính trị ở cơ sở, già làng, thôn trưởng, người uy tín, chức sắc tôn giáo để tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáp ranh, vùng sâu, vùng xa, góp phần bảo đảm tốt an ninh trật tự.
Lực lượng công an phối hợp với các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương, trường học tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ trong cán bộ, công nhân viên và học sinh; rà soát, lập danh sách các cá nhân có biểu hiện nghi vấn tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự để kiểm tra, phân loại và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý. Cùng với đó, phát huy tốt vai trò của người có uy tín, chức sắc tôn giáo để phối hợp tuyên truyền, vận động, thường xuyên đến tận từng hộ tuyên truyền, vận động các gia đình ký cam kết không mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và cam kết tố giác, phát giác các đối tượng có hành vi vi phạm.
Theo thống kê của Công an tỉnh từ ngày 1/9/2023 đến nay, toàn tỉnh đã vận động thu hồi được 132 súng tự chế, 1.272 viên đạn, 425 vũ khí thô sơ, 9 công cụ hỗ trợ, 7 linh kiện vũ khí, 2 lựu đạn, đầu đạn. Qua đó, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, nổi bật là Chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ lấy bình chữa cháy” đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Ngoài súng quân dụng, người dân trên địa bàn tỉnh còn giao nộp các loại súng tự chế, đây là các loại vũ khí khá phổ biến ở một số vùng nông thôn, rất nguy hiểm tới tính mạng của con người.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo từ sớm, từ xa, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; UBND tỉnh vừa có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; chủ động xây dựng, ban hành các kế hoạch, văn bản nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp và đấu tranh với các hành vi vi phạm.
UBND các huyện, thành phố triển khai mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại địa phương gắn với phát động Phong trào quần chúng Bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm hướng tới mục tiêu từng địa bàn, thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố không để xảy ra tình trạng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin