Lâm Hà: Đa dạng hóa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

THÂN THU HIỀN 06:15, 06/11/2023

Thời gian qua, UBND huyện Lâm Hà  tăng cường thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại 16 xã, thị trấn trên địa bàn. Qua đó đã tạo nên những chuyển biến rõ nét trong nhận thức và giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật của người dân.

Trưởng thôn Phan Văn Tiếng luôn phát huy tốt vai trò của mình để tuyên truyền, PBGDPL cho người dân địa phương
Trưởng thôn Phan Văn Tiếng luôn phát huy tốt vai trò của mình để tuyên truyền, PBGDPL cho người dân địa phương

TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ

Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Hà, trong những năm qua, nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Tân Thanh luôn chú trọng đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn. 

Để làm tốt công tác nói trên, tại trụ sở UBND xã Tân Thanh, địa phương niêm yết công khai về các mẫu đơn khiếu kiện, đơn ly hôn, đơn tranh chấp quyền sử dụng đất, quy chế, nội quy tiếp công dân để tránh tình trạnh gây phiền hà, sách nhiễu, không gây khó khăn đi lại cho dân. Bên cạnh đó, hướng dẫn cho người dân cụ thể trình tự giải quyết các loại thủ tục theo cơ chế “Một cửa, một cửa liên thông” tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Một cửa xã. 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Phương - Công chức tư Pháp hộ tịch xã Tân Thanh, tính từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2023, địa phương tổ chức 3 cuộc tuyên truyền miệng với 155 lượt người tham dự, phát hành 250 tờ rơi, tờ gấp. Cùng với đó, tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý 1 ngày với 85 lượt người tham dự tại thôn Bằng Sơn. Các nội dung tuyên truyền thường liên quan bao gồm Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Chính vì lẽ đó, mà đến năm 2022, xã Tân Thanh được UBND huyện công nhận là xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Hay tại thôn Tân An, xã Tân Văn, Tổ hòa giải trên địa bàn xã đã phát huy được vai trò của mình trong việc tuyên truyền, xử lý các vụ tranh chấp về đất đai, hôn nhân… Hiện, toàn thôn có 14 tổ hòa giải với 89 thành viên. 

Được xem là cầu nối trong thôn, gần 10 năm qua, ông Phan Văn Tiếng - Trưởng thôn Tân An, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn vẫn rảo bước chân trên khắp tuyến đường đến từng nhà, gặp gỡ mọi người để lắng nghe tâm tư, tình cảm của bà con trong thôn. “Nhiều cuộc hòa giải không chỉ đem cái lý, tình hàng xóm, tình nghĩa anh em ra mà còn phải vận dụng các điều khoản của pháp luật để thuyết phục các bên. Hòa giải thường ở thôn nên trước hết phải nghĩ rằng không có người thắng, người thua, mà chủ yếu để giải quyết các mâu thuẫn, tạo sự bình yên, gắn kết tình cảm bà con” - ông Tiếng giãi bày.

Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Hà: Thời gian qua, huyện cũng đã thành lập và thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ như Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm, Trợ giúp pháp lý, Nông dân với kiến thức pháp luật và các mô hình đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở như Thi hành án hình sự đối với người chấp hành án phạt tù nhưng được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành án phạt tù. Hay Mô hình Tiếng chuông cảnh báo tại các ngân hàng, kho bạc, quỹ tín dụng và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Đến nay, đã vận động được 18 đơn vị; trong đó có 12 ngân hàng, 1 kho bạc, 2 quỹ tín dụng và 6 tiệm vàng đồng ý lắp đặt hệ thống chuông báo động, đăng ký 49 nút bấm báo động và 7 camera an ninh…

TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG, ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN 

Ông Bùi Việt Cường - Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lâm Hà thông tin,trong thời gian qua, công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ PBGDPL được chú trọng với các hình thức như tổ chức hội nghị tập huấn, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thông qua các buổi sinh hoạt pháp luật, biên soạn, in ấn và cấp phát tờ gấp, tờ rơi, đề cương, phát hành tờ Thông tin pháp luật hàng tháng.

Tính từ tháng 6/2022 đến ngày 31/5/2023, UBND huyện Lâm Hà đã phối hợp tổ chức được 88 hội nghị tuyên truyền lồng ghép cho khoảng 4.110 lượt người là cán bộ chủ chốt, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, in ấn và cấp phát được 8.320 cuốn Đề cương tuyên truyền; 101.490 tờ rơi các loại và 10.950 bộ thông tin pháp luật cho tất cả các tổ chức cơ sở đảng và đoàn thể; các câu lạc bộ pháp luật; các thôn, tổ dân phố. 

Còn đối với UBND các xã, thị trấn đã tổ chức được 131 hội nghị và hội nghị tuyên truyền lồng ghép cho khoảng 10.718 lượt người là cán bộ, công chức và Nhân dân tham dự và tiến hành cấp phát được 39.116 tài liệu tuyên truyền các loại. 

Cùng với đó, tại các tổ hòa giải ở 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thụ lý hoà giải 450 vụ việc, hoà giải thành 323 vụ việc, đạt tỷ lệ 71,78%; hoà giải không thành và chuyển cấp trên giải quyết 124 vụ việc và đang giải quyết là 3 vụ việc.

Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lâm Hà nhận định: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền PBGDPL vẫn còn một số hạn chế như cơ sở vật chất, phương tiện làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu; kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn hạn chế, nhất là ở các xã, thị trấn; các đề án, chương trình PBGDPL triển khai nhiều, thiếu tính tập trung nên số đề án đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra còn ít, hiệu quả chưa thực sự đạt cao; việc đưa pháp luật đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, dân cư rải rác, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, một số phong tục tập quán lạc hậu chậm được khắc phục, xóa bỏ gây nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Lâm Hà tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm cho các thành viên, bám sát nhiệm vụ được phân công, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Thực hiện các đề án tuyên truyền pháp luật; trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cơ sở.