Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số (DTTS), biết tiếng DTTS, người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc chức việc...; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn.
Ban Nhân dân và người có uy tín Thôn 10, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh thường xuyên gặp gỡ để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 451 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định, đây là lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nòng cốt trong vùng đồng bào DTTS tại các địa phương. Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền miệng đối với 100% người có uy tín; tăng cường cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Qua đó, người có uy tín được phổ biến kiến thức về pháp luật để tuyên truyền lại bằng tiếng DTTS cho cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Ở cơ sở, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền mời người có uy tín tham gia triển khai các phong trào, các cuộc vận động, như Phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống,... Cũng như phối hợp trực tiếp hòa giải những tranh chấp, khiếu kiện giữa các hộ gia đình trong thôn, xã.
Thông qua những hoạt động trên, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã thực hiện được nhiệm vụ của mình trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS sống và làm việc theo pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đồng bào DTTS được triển khai khá đồng bộ, kịp thời, có hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nội dung thiết thực, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đồng bào các DTTS tại địa phương. Hình thức tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS và nhu cầu tìm hiểu, cũng như trình độ, nhận thức của người dân. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào DTTS, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội.
Tại địa bàn khu dân cư, với các hình thức tuyên truyền pháp luật đa dạng, phong phú như hội thi, hội diễn văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào thi đua sôi nổi trong đoàn viên, hội viên; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các chi, tổ, hội, tổ dân phố, câu lạc bộ... đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, của địa phương, hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội đến với đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân là người DTTS , góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Đơn cử, tại huyện Di Linh - địa phương có hơn 40% dân số là đồng bào các dân tộc K’Ho, Tày, Mường, Nùng, Thái,... ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có cán bộ là người đồng bào DTTS. Đặc biệt, một số xã có gần 100% cán bộ là người đồng bào DTTS như Sơn Điền, Đinh Trang Thượng… Đây là những lực lượng nòng cốt, lớn lên từ trong thôn bản, nên nắm rõ tình hình từ văn hóa, chính trị đến kinh tế. Do đó, việc tuyên truyền, triển khai, vận động cũng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hiện huyện có 80 người có uy tín được tỉnh công nhận, họ là những “hạt nhân”, giúp việc tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần với bà con hơn”.
Ông K’Tối - người có uy tín của Thôn 10, xã Đinh Trang Hòa chia sẻ: “Là người có uy tín, phải dẫn dắt buôn làng, thôn xóm, bà con phát triển đi lên, thế nên tôi luôn ý thức trong cách ăn, nói, cách làm của mình phải luôn luôn phù hợp, gương mẫu từ trong gia đình đến khi ra ngoài cộng đồng”.
Thông qua hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên đã góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở. Từ điều kiện gần gũi cùng đồng bào DTTS, đây là những người thuận lợi trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, cũng như những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống của cơ sở. Từ đó, tuyên truyền viên không chỉ tuyên truyền, giải thích cho quần chúng Nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương, mà còn từng bước nâng cao nhận thức, cảnh giác đối với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch... Qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng tôi cũng đã có đề xuất cần sớm xây dựng các chính sách mới phù hợp để động viên những cán bộ, giáo viên hưu trí, cựu chiến binh, người có uy tín, có kinh nghiệm, nhiệt tình trong công tác xã hội tham gia vào lực lượng tuyên truyền viên pháp luật biết tiếng DTTS. Cũng như có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ thỏa đáng để tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả của lực lượng làm công tác tuyên truyền pháp luật ở cơ sở”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin