Tai nạn giao thông - nỗi đau người ở lại

NGUYỄN NGHĨA 06:35, 28/11/2023

Theo thống kê, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông và tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15-27 tuổi. Hậu quả của tai nạn giao thông không chỉ để lại nỗi đau, nỗi ám ảnh cho các nạn nhân và người thân mà còn gây ra rất nhiều nguy cơ đói nghèo, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Đại diện Ban ATGT tỉnh thăm gia đình nạn nhân tử vong do TNGT
Đại diện Ban ATGT tỉnh thăm gia đình nạn nhân tử vong do TNGT

Câu chuyện về hoàn cảnh đói nghèo, khổ đau, thương tật vĩnh viễn… không phải là câu chuyện mới về hậu quả để lại của những vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở khắp mọi nơi. Thế nhưng, mỗi ngày, những vụ TNGT vẫn xảy ra và nỗi đau, hậu quả của nó ngày càng dài ra, gây biết bao khổ đau cho nhiều thế hệ. 

Vợ của nạn nhân Kơ Sã Giô Áp ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương nước mắt ngắn nước mắt dài khi đoàn công tác của Ban An toàn giao thông tỉnh và huyện Đơn Dương đến thăm nhân Ngày Tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT. Hai vợ chồng chị đều là người dân tộc thiểu số, còn rất trẻ, có 2 con nhỏ, sống trong một căn nhà gỗ nhỏ trên mảnh đất được cha mẹ cho gần nhà mẹ. Hai vợ chồng đều làm nông, ngoài ra khi còn sống, nạn nhân Kơ Sã Giô Áp vẫn phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập để lấy tiền chi tiêu sinh hoạt trong nhà và lo chữa bệnh ung thư máu cho con trai đầu 8 tuổi. Thế nhưng, tai hoạ ập đến gia đình khi không may trong một lần đi làm về, Kơ Sã Giô Áp gặp TNGT dẫn đến tử vong. Cả 2 con còn rất nhỏ, trong đó 1 cháu lại mắc bệnh hiểm nghèo khiến chị vợ và gia đình càng rơi vào đau khổ và hoang mang. 

Sống ở vùng nông thôn nghèo, vợ Kơ Sã Giô Áp cho biết, giờ đang phải nương tựa vào cha mẹ, ngoài ra vẫn phải cố gắng làm lụng thêm để có tiền chữa bệnh cho con nhưng do con còn quá nhỏ, lại có 1 cháu bị bệnh nên công việc làm thêm cũng không ổn định. Chị cho biết, giờ cũng không biết phải làm gì nữa, nỗi đau mất chồng như càng nhân thêm nỗi đau khi mỗi ngày chị lại phải gánh vác thêm hết phần việc khác để chữa bệnh cho con, chăm sóc và dạy con. “Giờ chỉ biết lo cho con được ngày nào hay ngày đó” - vợ của nạn nhân Kơ Sã Giô Áp nói.

Gia đình nạn nhân Hồ Dân Thông (sinh năm 2007, hiện đang ở đường Trương Công Định, Phường 1, TP Đà Lạt) cũng không khá hơn là bao. Bố mẹ em Thông hiện đang sống trong căn nhà giữa trung tâm TP Đà Lạt nhưng rất chật chội và có phần tồi tàn. Em Thông bị TNGT dẫn đến tử vong khi đang trên đường đi học. Gia đình vốn chỉ lao động phổ thông, có cuộc sống cơ bản, nhưng cha mẹ em đặt biết bao hy vọng vào con khi mỗi ngày đều cố gắng lao động để kiếm tiền nuôi con ăn học với hy vọng con sẽ có cuộc sống tốt hơn. Nhưng sau sự mất mát đột ngột này, cha mẹ em càng thêm gầy guộc, khắc khổ, ánh mắt trũng sâu buồn xa xăm. Có lẽ, việc mất đi đứa con cũng đã lấy mất đi luôn niềm vui, hy vọng vào tương lai của cả gia đình và thật dễ hiểu là tại sao họ suy sụp. Cuộc sống vì thế mà vốn khó khăn lại càng trở nên khó khăn, tạm bợ và mất phương hướng…

Những nỗi đau của nạn nhân TNGT , và nỗi đau để lại cho những người thân của họ và những hệ luỵ phía sau đó không thể liệt kê hết được. Nhưng theo thống kê của các tổ chức thế giới, hàng năm, nền kinh tế toàn cầu bị thiệt hại khoảng 2,5% tổng giá trị GDP, tương đương khoảng 1.500 tỷ USD do TNGT.

Ở Việt Nam, TNGT đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với sinh mạng, sức khỏe và tài sản của người dân, cũng như quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã đạt được những kết quả rõ rệt, TNGT liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn đã từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, số vụ TNGT với những hậu quả để lại vẫn còn xảy ra khá nhiều. Và sau tai nạn vẫn là những ám ảnh, dằn vặt về tinh thần. Trong tận cùng sự đớn đau, đã có rất nhiều người bị thương tật vĩnh viễn, mất đi sức lao động, thậm chí không thể lao động… đã phải hối hận mà thốt lên rằng “giá như”cẩn thận hơn một chút, giá như chậm hơn một chút…”. 

Thay vì những hối hận muộn màng, việc nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tham gia giao thông có văn hoá mọi lúc mọi nơi sẽ là cách tự bảo vệ bản thân, bảo vệ niềm vui, hạnh phúc gia đình mình và cộng đồng tốt nhất, và để xã hội ngày càng bớt đi những đau thương mất mát vì TNGT.