(LĐ online) - Vụ án “tranh chấp hợp đồng thuê khoán” giữa bà Xuyến (vợ Nguyễn Văn Hoàn đã bị khởi tố bắt giam) với vợ chồng ông Khải, bà Ngọc đã được Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Di Linh thụ lý. Hiện tại, các cơ quan thi hành pháp luật huyện Di Linh đang thực hiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho bà Xuyến thu hoạch sản phẩm cà phê trên diện tích 9,7 ha với sản lượng ước đạt 27,6 tấn nhân.
Khu vực đất 9,7 ha trồng cà phê, sầu riêng thuộc Tiểu khu 616 (xã Tân Lâm, huyện Di Linh) đang xảy ra tranh chấp Hợp đồng thuê khoán giữa bà Xuyến và ông Khải |
Ngày 13/11, Công an huyện Di Linh cho biết, đơn vị đã tăng cường lực lượng phối hợp cùng Chi cục Thi hành án Dân sự và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện và chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh trật tự tại diện tích đất xảy ra tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Xuyến và vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Khải, bà Nguyễn Thị Thúy Ngọc cùng ngụ tại xã Tân Lâm. Khu vực được triển khai đảm bảo an ninh trật tự thuộc thửa 32, tờ bản đồ 23 (Thôn 5, xã Tân Lâm). Trong diện tích này có 7,6 ha là đất lâm nghiệp thuộc Tiểu khu 616 do Ban Quản lý rừng Tân Thượng quản lý. Liên quan đến việc tranh chấp đất tại đây đã từng xảy ra vụ đánh nhau khiến ông Nguyễn Văn Hoàn (thường gọi "Hoàn Xuyến", chồng bà Xuyến) và con trai bị khởi tố bắt tạm giam.
Hiện tại, TAND huyện Di Linh đang thụ lý hồ sơ số 222 ngày 23/10/2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán” giữa bà Nguyễn Thị Xuyến và vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Khải, bà Nguyễn Thị Thúy Ngọc. Trong khi TAND huyện này đang thụ lý vụ án nói trên thì cả bà Xuyến và ông Khải cùng làm đơn yêu cầu TAND áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và đề nghị cho mình được thu hoạch cà phê vụ mùa 2023 trên diện tích 9,7 ha.
Cơ quan chức năng huyện Di Linh và xã Tân Lâm thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự để bà Xuyến thu hái cà phê theo quyết định của TAND huyện |
Cụ thể, vụ việc tranh chấp nói trên bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2022. Sau khi thuê lại đất giao khoán 135 từ 2 hộ dân nhận khoán khoán, năm 2022, Hoàn Xuyến làm hợp đồng cho ông Nguyễn Hoàng Khải (48 tuổi, ngụ xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm) thuê 12,1 ha đất để sản xuất nông nghiệp, cụ thể là trồng sầu riêng. Trong đó, có 7,6 ha đất lâm nghiệp thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng Tân Thượng.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký, ông Hoàn cho ông Khải thuê mảnh đất nói trên để trồng sầu riêng trong vòng 10 năm. Thời gian đầu khi xuống giống, ông Hoàn bỏ cây giống và phân bón lót. Từ ngày xuống giống đến năm thứ 4, ông Khải phải bỏ kinh phí để mua phân bón, thuốc và công làm. Dự kiến sau 4 năm khi có thu nhập, 2 bên chia lợi nhuận theo tỉ lệ ông Hoàn hưởng 60% và ông Khải hưởng 40%.
Trên đất còn có cây cà phê đang cho thu hoạch, ông Hoàn giao cho ông Khải chăm sóc và thu hoạch để lấy tiền chăm sóc cho cây sầu riêng. Mùa vụ năm 2022 trở đi, mỗi năm ông Khải phải trả cho vợ chồng ông Hoàn số tiền 100 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi cho thuê được 1 năm thì ông Hoàn có ý đòi lại thửa đất nên 2 bên phát sinh mâu thuẫn tranh chấp.
Do ông Khải không trả lại vườn nên gia đình ông Hoàn làm cổng và rào lại vườn cà phê, không cho ông Khải vào canh tác. Tuy nhiên, do căn cứ theo hợp đồng đã thoả thuận nên ông Khải vẫn tiếp tục vào vườn làm.
Đến ngày 10/5, ông Hoàn cùng con trai là Nguyễn Hoàn Việt Anh dùng máy cày chở nhiều người mang theo dao, rựa phát đến khu vườn nơi đang xảy ra tranh chấp rồi đuổi đánh khiến ông Khải bị thương. Sau 5 ngày xảy ra vụ việc, Công an huyện Di Linh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Hoàn, cùng con trai là Việt Anh để điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Ông Hoàn bị khởi tố, bắt tạm giam |
Sau khi ông Hoàn và con trai bị bắt, bà Xuyến đã khởi kiện ông Khải để đòi lại toàn bộ khu vườn và cây trồng trong diện tích nói trên. Tháng 10/2023, cả bà Xuyến và ông Khải đã làm đơn yêu cầu TAND huyện Di Linh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho thu hoạch cà phê vụ mùa năm 2023. Ngày 6/11, TAND huyện Di Linh ra thông báo không áp dụng biên pháp khẩn cấp tạm thời và bác đơn yêu cầu không đồng ý cho ông Khải thu hoạch cà phê trên diện tích 9,7 ha.
Tiếp đó, ngày 10/11, TAND huyện Di Linh đã ban hành quyết định áp dụng quyết định khẩn cấp tạm thời và cho bà Nguyễn Thị Xuyến thu hoạch cà phê trên 9,7 ha. Theo đó, sản lượng cà phê mà cơ quan chức năng thẩm định trên diện tích 9,7 ha ước lượng là 27,6 tấn cà phê nhân.
Cơ quan thực thi pháp luật huyện Di Linh có mặt tại khu vực đất tranh chấp thực hiện Quyết định của TAND huyện và Quyết định thi hành án chủ động của Chi cục Thi hành án Dân sự cho bà Xuyến thu hái cà phê |
Cùng ngày 10/11, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Di Linh ra Quyết định “thi hành án chủ động” số 229 cho bà Xuyến thu hoạch cà phê trên diện tích 9,7 ha đang tranh chấp. Đồng thời, cơ quan này có văn bản đề nghị Công an huyện Di Linh cử 10 cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ việc thi hành Quyết định nói trên. Tuy nhiên, trong thời gian này, ông Nguyễn Hoàng Khải vẫn tiến hành thu hái được 170 bao cà phê tươi (50 kg/bao).
Ngày 11/11, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Di Linh phối hợp với các lực chức năng huyện này tiến hành cưỡng chế, buộc ông Khải phải giao lại khu vườn cho bà Xuyến thu hoạch cà phê. Cơ quan thi hành án cũng buộc bà Xuyến quản lý toàn bộ sản lượng cà phê thu hoạch nói trên để chờ TAND huyện Di Linh giải quyết theo quy định.
Theo Thông báo của TAND huyện Di Linh về việc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với đơn của ông Nguyễn Hoàng Khải cũng như Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với bà Nguyễn Thị Xuyến, là do: Quá trình làm việc Công an xã Tân Lâm xác định từ tháng 2/2023, gia đình bà Xuyến làm cổng sắt không cho vợ chồng ông Khải vào canh tác. Cũng từ đó, gia đình bà Xuyến canh tác trên thửa đất này. Nội dung này được Công an xã Tân Lâm xác minh thông qua những người làm chứng. Vì vậy, TAND huyện Di Linh xác định không đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đơn của ông Khải.
Ngày 11/11, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Di Linh phối hợp với các lực chức năng huyện này tiến hành cưỡng chế, buộc ông Khải phải giao lại khu vườn cho bà Xuyến thu hoạch cà phê. Cơ quan Thi hành án cũng buộc bà Xuyến quản lý toàn bộ sản lượng cà phê thu hoạch nói trên để chờ TAND huyện Di Linh giải quyết theo quy định.
Tuy nhiên theo ông Khải, liên quan đến vụ việc này, những thỏa thuận trong Hợp đồng kinh tế giữa vợ chồng ông Hoàn, bà Xuyến với vợ chồng ông Khải, bà Ngọc là cơ sở pháp lý rõ ràng cần được cơ quan chức năng xem xét làm rõ để đảm bảo quyền lợi theo quy định pháp luật cho gia đình ông.
Ông Nguyễn Hoàng Khải có mặt tại khu vực đất xảy ra tranh chấp với bà Xuyến vào sáng 13/11 |
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Hoàng Khải đã có đơn gửi TAND huyện Di Linh và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện khiếu nại về nội dung Toà không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để gia đình ông được thu hoạch cà phê; đồng thời, nêu lên nhiều nội dung liên quan vụ việc cần được xem xét thấu đáo.
Ông Bùi Như Thịnh - Chủ tịch UBND xã Tân Lâm, huyện Di Linh cho biết: Liên quan đến vụ việc này, chính quyền địa phương đã mời 2 gia đình lên làm việc, hòa giải và yêu cầu 2 bên chấp hành các quy định mà cơ quan chức năng đang triển khai liên quan đến vụ việc nói trên. Nếu 2 gia đình không chấp hành mà để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự thì cơ quan công an sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin