Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

NHẬT MINH 06:09, 08/12/2023

Triển khai công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH), giai đoạn 2021 - 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tăng cường công tác tuyên truyền, phòng, chống TNXH; phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai nhiều nội dung phòng, chống TNXH mang lại hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Người nghiện ma túy cai nghiện, chữa bệnh tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh 
được tư vấn, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ
Người nghiện ma túy cai nghiện, chữa bệnh tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được tư vấn, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về phòng, chống TNXH, trong giai đoạn 2021-2023, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống mại dâm; phòng, chống và cai nghiện ma túy; công tác phòng, chống và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho 1.953 lượt đại biểu là lãnh đạo, công chức phụ trách lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội của cấp huyện, cấp xã và Đội công tác xã hội tình nguyện; cán bộ đoàn chuyên trách cấp huyện, cấp xã… 

Để thực hiện tốt chương trình phòng, chống mại dâm, hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được 112/142 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm; thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên các báo, đài; người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; người lao động trong các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

 Mặt khác, UBND cấp huyện, cấp xã đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác phòng, chống TNXH gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, dạy nghề; xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có TNXH. Triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm cho 295.142 lao động; tổ chức đào tạo nghề cho 257.662 lao động nhằm từng bước cải thiện điều kiện sống, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thông qua chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tập trung vào các hoạt động lồng ghép cho nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm, người có nguy cơ đã cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp, ngăn ngừa phát sinh người tham gia hoạt động mại dâm, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội địa phương để tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, để giúp cho người hoạt động mại dâm tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương, các trung tâm dạy nghề, đội tình nguyện thường xuyên tuyên truyền, quản lý, giúp đỡ, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn nếu có nhu cầu để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thông qua tiếp cận viên đồng đẳng, tình nguyện viên, cộng tác viên, nhiều người được tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, nghề nghiệp, việc làm…, góp phần hỗ trợ họ không bị kỳ thị và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS ra cộng đồng dân cư.

Đối với việc thực hiện công tác cai nghiện ma túy, từ ngày 1/1/2022 đến nay, lực lượng công an lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với 476 trường hợp. Tòa án Nhân dân các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc ban hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa 400 người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó, công tác cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được triển khai đồng bộ, hoạt động đạt hiệu quả, an toàn. Người nghiện ma túy cai nghiện, chữa bệnh tại Cơ sở cai nghiện đều được tư vấn, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ đạt hiệu quả cao, được tư vấn về dự phòng tái nghiện.

Người nghiện ma túy sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc, tự nguyện trở về cộng đồng được UBND cấp xã lập hồ sơ, đưa vào danh sách và quyết định quản lý sau cai tại nơi cư trú để thực hiện công tác hỗ trợ như tư vấn, trợ giúp tâm lý, trợ giúp pháp lý, tổ chức dạy nghề, tìm kiếm, giới thiệu việc làm và các chương trình phòng, chống tái nghiện, hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Ân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu theo các Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm, ma túy và phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh chưa được đảm bảo. Theo phân tích của Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có nhiều nguyên nhân, trước hết là do tình hình người tham gia vào TNXH trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát; nguồn lực cho công tác phòng, chống TNXH còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; quy mô sức chứa của cơ sở cai nghiện ma túy không đáp ứng được với thực trạng người nghiện ma túy trên địa bàn. Mặt khác, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm, người nghiện, người sau cai nghiện và người nhiễm HIV còn phổ biến trong cộng đồng, làm hạn chế việc tiếp cận chính sách, dịch vụ và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng... Và, đặc biệt, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa được tổ chức, thực hiện tại nhiều địa phương, lý do là vì đa số cơ sở y tế tại cấp xã, huyện đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, nhưng không tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện và không có cá nhân, tổ chức đầu tư tham gia vào các dịch vụ cai nghiện tự nguyện...