Lâm Đồng sau 2 năm thực hiện Đề án 06

THỤY TRANG 02:53, 03/01/2024

Với rất nhiều quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, địa phương đã đạt được các mục tiêu cơ bản của Đề án 06 của Chính phủ.

Công an tỉnh tập trung lực lượng hướng dẫn bà con thực hiện cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử
Công an tỉnh tập trung lực lượng hướng dẫn bà con thực hiện cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng, sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), với rất nhiều quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã đạt được các mục tiêu cơ bản của Đề án. 

Cụ thể, với nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hiện đã cung cấp 1.179 dịch vụ công trực tuyến và hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu. Trong số dịch vụ công thiết yếu, chỉ tính riêng trong tháng 12/2023, 11 dịch vụ công thiết yếu của ngành Công an đã tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 130.198/136.198 hồ sơ (đạt 95,59%); 12 dịch vụ công thiết yếu thuộc các sở, ngành đã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến 5.942/9.588 (đạt 61,97%); 2 dịch vụ công liên thông trong tháng phát sinh 2.787 hồ sơ, trong đó chủ yếu là đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và hồ sơ đăng ký khai tử. 

Đối với nhóm tiện ích xã hội, toàn tỉnh đã có 168/168 cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) đạt tỷ lệ 100%. Và tính đến ngày 15/12/2023, tổng số tra cứu bằng CCCD đi khám, chữa bệnh BHYT là trên 1,4 triệu lượt, trong đó 1,1 triệu lượt tra cứu thành công, đạt tỷ lệ trên 81%. Cùng với đó, việc triển khai liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử tại 100% cơ sở khám, chữa bệnh đạt tỷ lệ liên thông 100%. Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt 38,8% trên tổng số chi phí và đạt 30,1% trên tổng số thanh toán viện phí; chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, chi trợ cấp một lần, chi trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cũng đạt tỷ lệ từ 63% - 99,64%. 

Cùng với đó, địa phương cũng đang tiếp tục thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 1.382.720 hồ sơ cấp CCCD và 1.172.642 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử, hiện có 850.568 tài khoản định danh điện tử đã kích hoạt. Việc chuẩn hóa dữ liệu hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư cũng được chú trọng. Nổi bật là việc đẩy mạnh số hóa dữ liệu hộ tịch phục vụ chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Đến nay, đã số hóa, chuyển chính thức bằng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung với dữ liệu hộ tịch đạt tỷ lệ gần 68%. Và đã cập nhật, xác thực giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 97,2% số người đang tham gia Bảo hiểm xã hội, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội tỉnh quản lý nhằm phục vụ người dân đi khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD cũng như thực hiện các thủ tục hành chính khác.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã, đang cập nhật thông tin của trẻ em vào phần mềm Hệ thống quản lý trẻ em; đối chiếu làm sạch dữ liệu đối với đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh. Và thu thập thông tin người lao động đủ 15 tuổi trên địa bàn tỉnh, đã cập nhật thông tin vào phần mềm trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Cập nhật thông tin các hội, đoàn thể trên địa bàn vào CSDLQG… 

Để có được những kết quả tích cực trên, thời gian qua, ngoài việc làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo của Công an tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh đã rất nỗ lực trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 06. Đồng thời, quán triệt, xác định rõ việc triển khai thực hiện Đề án là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò tiên phong, đi đầu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại địa phương để tạo sự lan tỏa đến quần chúng Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện. Và, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiện ích của đề án, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cấp và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhân dân.