Ngành Y tế Lâm Đồng có nhiệm vụ quản lý chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm. Các mặt hàng này có tác động trực tiếp đến sức khoẻ con người, nhất là cao điểm vào dịp Tết.
Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm dịp kỷ niệm Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển |
Trong năm 2023, Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt các kế hoạch thanh tra, kiểm tra chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm. Tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm bao gói sẵn với 956 hồ sơ tự công bố sản phẩm của các cơ sở sản xuất thực phẩm. Giám sát mối nguy đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) 337 mẫu; trong đó gửi xét nghiệm tại phòng kiểm nghiệm 188 mẫu (thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc nhóm giảm cân, đái tháo đường, sinh lý nam, huyết áp, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, bao bì, nước uống đóng chai). Kết quả, có 181/188 mẫu đạt (1 mẫu không đạt về chỉ tiêu chất lượng theo hồ sơ công bố, 6 mẫu nước uống đóng chai không đạt chỉ tiêu vi sinh). Thực hiện kiểm tra nhanh 149 mẫu thực phẩm ăn ngay như bún, bánh, chả, heo quay, mứt... kết quả 149/149 mẫu đạt.
Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực ATTP với 30 đoàn (4 đoàn kiểm tra liên ngành, 4 đoàn thanh tra, 22 đoàn kiểm tra chuyên ngành). Kết quả thanh tra, kiểm tra 311 cơ sở, phát hiện 28 cơ sở vi phạm. Số cơ sở vi phạm bị xử lý hình thức phạt tiền 24 cơ sở với tổng mức phạt hơn 214 triệu đồng. Hành vi vi phạm bị xử lý: Sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc tiêu chuẩn đã công bố; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; nơi chế biến có côn trùng gây hại xâm nhập; sản xuất hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm hoặc đăng ký bản công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm...
Loại hàng hóa là dược phẩm, mỹ phẩm, ATTP, trang thiết bị y tế, Sở Y tế đã giao trách nhiệm cho Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm tỉnh tổ chức lấy mẫu tại các điểm kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, sản xuất thuốc và các cơ sở điều trị để kiểm tra chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả thực hiện lấy kiểm tra 768 mẫu/150 cơ sở, có 766 mẫu đạt chất lượng, còn 2 mẫu tại 2 cơ sở không đạt, không phát hiện thuốc giả qua các mẫu kiểm nghiệm.
Trong năm 2023, thực hiện 6 cuộc thanh tra, kiểm tra và phối hợp thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đối với các cơ sở hành nghề dược phẩm, mỹ phẩm, ATTP, trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra 194 cơ sở gồm: 88 cơ sở hành nghề y; 55 cơ sở hành nghề dược; 46 cơ sở kinh doanh ATTP, hoạt động trong lĩnh vực y tế (hóa chất diệt khuẩn, an toàn vệ sinh lao động, quan trắc…). Qua kiểm tra, phát hiện và xử lý 67 cơ sở (42 cơ sở hành nghề y, 20 cơ sở hành nghề dược, 5 cơ sở kinh doanh ATTP). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 14 cơ sở. Các hành vi vi phạm bị xử lý được ngành chức năng ghi nhận như: Cơ sở không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở đã sử dụng thuốc, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc, hình dạng trên cơ thể người; niêm yết giá chưa đầy đủ; để lẫn sản phẩm không phải thuốc cùng với thuốc…
Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Triển khai kịp thời các nội dung kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lâm Đồng về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc lĩnh vực y tế. Chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán 2024, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, đảm bảo an toàn thực phẩm; chú trọng nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hàng giả.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Y tế Lâm Đồng đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong ngành Y tế nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng tại các cơ sở y tế nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm và Phòng Y tế các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và nhiệm vụ được giao đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024. Tổ chức triển khai các biện pháp để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; đầu cơ tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin