Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người

THỤY TRANG 05:55, 07/03/2024

Kế hoạch công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân…

Cơ quan công an làm việc với 2 bị can trong vụ án mua bán người, đưa người 
xuất cảnh sang Campuchia
Cơ quan công an làm việc với 2 bị can trong vụ án mua bán người, đưa người xuất cảnh sang Campuchia

Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy  về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự năm 2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống AIDS và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138 tỉnh), đã triển khai thực hiện kế hoạch công tác phòng, chống mua bán người năm 2024. 

Kế hoạch này yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung; phòng, chống mua bán người nói riêng. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc trong công tác phòng, chống mua bán người. 

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong phòng, chống mua bán người. Khắc phục các nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm mua bán người và những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống mua bán người. 

Mục tiêu phấn đấu kiềm chế, làm giảm số vụ phạm tội về mua bán người; 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, xử lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hằng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người được giải quyết, xét xử. Và làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người bị nghi là nạn nhân. 

Để đạt được mục đích, yêu cầu theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong năm 2024. Nổi bật là công tác tham mưu, chỉ đạo, trong đó tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 2496/KH-UBND ngày 23/4/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 gắn với việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người. 

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi nơi, mọi lúc, trên các lĩnh vực, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm, với mục tiêu cao nhất là “Bảo vệ an ninh con người”, lấy người dân làm trung tâm của công tác bảo vệ. Đồng thời, chú trọng triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - ngày 30/7/2024” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - ngày 30/7/2024”. Và, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực, đào tạo, bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ về phòng, chống mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị mua bán, về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý và kỹ năng quản lý đối với từng vụ việc, nạn nhân cụ thể. 

Ban Chỉ đạo 138 tỉnh cũng yêu cầu chú trọng với công tác truyền thông, phòng ngừa tội phạm. Mục tiêu trong năm 2024, kéo giảm số vụ phạm tội mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất cảnh ra nước ngoài làm “việc nhẹ lương cao”; mua bán người trong nội địa. Đẩy mạnh truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng; tuyên truyền chính sách, pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… 

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đấu tranh, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Trong đó, tập trung làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mua bán người ngay từ địa bàn cấp xã. Tiến hành xác minh, điều tra, xử lý tội phạm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, phòng, chống sai phạm, tiêu cực trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm mua bán người. Và mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thời gian từ ngày 1/7/2024 đến hết 30/9/2024. 

Tiếp tục tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt chú ý chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm phục vụ hiệu quả công tác xây dựng sơ đồ hóa chứng cứ trong giải quyết các vụ án, vụ việc. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, mua bán người; đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm...