(LĐ online) - Ngày 23/4, ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, địa phương đang triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm lừa đảo, mua bán người sang Campuchia.
Lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép |
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Di Linh xảy ra các vụ việc người lao động, thanh niên bị kẻ xấu dụ dỗ sang Campuchia đưa vào làm việc trong các tổ chức, đường dây hoạt động phạm tội. Phương thức thủ đoạn của các đối tượng là vào các trang mạng xã hội, các hội nhóm để tìm kiếm những thanh niên có nhu cầu tìm việc làm hoặc dùng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Telegram,...) đăng các bài quảng cáo, tuyển lựa lao động, làm quen để rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm vào có độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi.
Sau khi dụ dỗ, lôi kéo thì các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đón xe đi đến khu vực biên giới rồi cử người đến đón, chở bằng xe gắn máy để vượt biên sang Campuchia. Khi đã qua Campuchia thì nạn nhân bị đưa vào làm việc tại các cơ sở, tổ chức hoạt động phạm tội như: Dùng tài khoản mạng xã hội để kết bạn, làm quen với người Việt Nam rồi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, nạn nhân được hưởng hoa hồng từ số tiền chiếm đoạt được. Trong quá trình làm việc, các nạn nhân bị quản lý chặt, không được đi lại ra khỏi khu vực làm việc và ngừng liên lạc với bên ngoài, đồng thời bị cưỡng ép lao động từ 12 đến 16 tiếng/ngày. Nếu không thực hiện được theo yêu cầu của các đối tượng thì nạn nhân sẽ bị nhốt, đánh đập, ngược đãi và yêu cầu liên lạc về cho gia đình nộp tiền “chuộc” mới cho về nước hoặc bị bán cho công ty khác. Các đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là các đối tượng người nước ngoài tại Campuchia, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Việt Nam hiện đang hoạt động tại Campuchia.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lừa đảo, mua bán người sang Campuchia, UBND huyện Di Linh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép.
Chủ tịch UBND huyện Di Linh cũng yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo lực lượng Công an cấp cơ sở phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai các biện pháp, lực lượng nắm tình hình, khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho cơ quan Công an cấp có thẩm quyền để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
Huyện Di Linh cũng thường xuyên theo dõi tình hình lao động việc làm trên địa bàn, kịp thời nắm bắt tình hình lao động rời khỏi địa phương đi làm việc ngoài tỉnh, ngoài nước nhất là tại khu vực, địa bàn khó khăn, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề lao động, việc làm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm lừa đảo, mua bán người.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, thông tin - truyền thông, đặc biệt là quản lý thông tin trên Internet và mạng xã hội như Facebook, Zalo..., kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin quảng bá, tìm kiếm, lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh trái phép sang nước ngoài lao động.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin