Luật Căn cước được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó có một số điểm mới mà người dân quan tâm. Lâm Đồng cũng đã triển khai các kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn để Luật Căn cước sớm đi vào cuộc sống, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về tính phù hợp, ưu việt và triển khai theo đúng tiến độ.
Luật Căn cước có hiệu lực từ tháng 7/2024 với những điểm mới |
• 10 ĐIỂM MỚI ĐÁNG CHÚ Ý
Luật Căn cước có hiệu lực từ tháng 7/2024 với những điểm mới đáng chú ý như: Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ 1/1/2025; Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước; Cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi; Bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch…
10 điểm mới của Luật Căn cước gồm những nội dung sau:
Chính thức đổi tên căn cước công dân thành căn cước; Giá trị sử dụng của Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân đã được cấp; Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.
Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ 1/1/2025 theo Điều 46; còn chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024.
Thẻ căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú.
Mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước, qua đó công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi đó là khi người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia và không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30) thì: Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23): Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.
Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước (Điều 22): Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ Bảo hiểm y tế, sổ Bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
• TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT CĂN CƯỚC
Công an tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành. Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của Luật Căn cước, định danh và xác thực điện tử với đời sống xã hội; quán triệt mục đích, ý nghĩa, quan điểm, định hướng và nội dung cơ bản và tầm quan trọng của Luật Căn cước tới cán bộ, chiến sỹ, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội và các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tranh thủ sự ủng hộ, tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân, sự đồng thuận của toàn xã hội.
Công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có phương án, lộ trình, trọng tâm, trọng điểm để thực hiện công tác tuyên truyền theo từng nhóm, lĩnh vực, phạm vi, quy mô, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng cụ thể. Tranh thủ sự ủng hộ và thu thập nắm tình hình dư luận, ý kiến tham gia góp ý của quần chúng Nhân dân về các chính sách khi thi hành Luật Căn cước. Nội dung tuyên truyền phải được chuẩn bị chu đáo, súc tích, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhìn, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, tránh hình thức, hô hào, khẩu hiệu.
Các hình thức được đặt ra như: thông qua hình thức tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, phim phóng sự, tài liệu tuyên truyền; hệ thống truyền hình, truyền thanh, báo, đài địa phương; tuyên truyền lưu động; sử dụng tờ rơi, treo băng rôn, pano, áp phích... qua mạng xã hội (zalo, facebook, telegram...), các trang thông tin điện tử của công an các đơn vị, địa phương, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…
Với chỉ tiêu 100% công an các đơn vị, địa phương (cả 3 cấp tỉnh - huyện - xã) căn cứ vào tình hình thực tế về lĩnh vực, địa bàn quản lý để xác định liều lượng thông tin tuyên truyền phù hợp, đảm bảo ít nhất 1 tin, bài tuyên truyền/tuần. 100% công an đơn vị, địa phương 3 cấp định kỳ hàng tuần đăng tải đầy đủ các nội dung tuyên truyền theo tài liệu hướng dẫn của Cục C06, Công an tỉnh và tài liệu tuyên truyền do công an địa phương tự xây dựng trên trang thông tin điện tử, fanpage, zalo OA của đơn vị. 100% các phòng nghiệp vụ có nơi tiếp công dân, Công an huyện/thành phố, xã/phường/thị trấn treo băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền về Luật Căn cước (trước mắt, hoàn thành treo băng rôn, pano, áp phích về 10 điểm mới của Luật Căn cước) tại trụ sở làm việc, nơi tiếp công dân, địa điểm công cộng, tuyến đường chính...
Thượng tá Trần Quốc Hội - Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh cho biết: Với nhiều điểm mới phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và quản lý dân cư hiện nay, với vai trò cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã và đang tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Căn cước năm 2023 đến các tầng lớp Nhân dân. Tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức và người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước. Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH các cấp trong tỉnh phối hợp với công an cơ sở chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói. Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân cho công dân.
Đồng thời, các sở, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tuyên truyền về Luật Căn cước. Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của Luật Căn cước và các văn bản quy phạm pháp luật quy định phù hợp xu thế chuyển đổi số, thực hiện cải cách hành chính hiện nay. Bảo đảm triển khai Luật Căn cước năm 2023 đúng tiến độ, thống nhất, chất lượng, thiết thực, hiệu quả.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin