LUẬT TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI):
Nhiều vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn

NGUYỆT THU 04:44, 30/05/2024

Để đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thể chế, cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; hệ thống Tòa án phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trong đó đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 và pháp luật liên quan để bảo đảm các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để Tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các Tòa án trong khu vực và trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý Luật Tòa án Nhân dân (sửa đổi) tại hội trường Diên Hồng
Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý Luật Tòa án Nhân dân (sửa đổi) tại hội trường Diên Hồng

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội dự kiến sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn hiện nay. Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá, nhiều nội dung đã tiệm cận với trình độ quốc tế; chất lượng dự án luật rất tốt và tháo gỡ được khó khăn của thực tiễn, đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua kỳ này.

Để kịp thời lắng nghe các kiến nghị, góp ý của cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã tiếp xúc chuyên đề với cử tri là là cán bộ, các chức danh tư pháp của Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan tư pháp trong tỉnh, đây là lực lượng trực tiếp chịu tác động của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân và ghi nhận nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, sát thực của cử tri, nhằm đóng góp ý kiến dự thảo luật sát với tình hình thực tế của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng của các dự án luật.

Ông Đào Chiến Thắng - Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: “Cơ bản chúng tôi thống nhất việc phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ Tòa án giai đoạn hiện nay để cụ thể hoá Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, nhất là những quy định xét xử, xử lý hành chính… Việc thành lập Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm, tòa cấp cao nên thành lập chuyên biệt, tòa sơ thẩm theo khu vực 1, 2, 3… Tuy nhiên, cần làm từng bước, tránh gây khó cho hoạt động của Tòa án nói chung. Liên quan nội dung ghi âm, ghi hình theo quy định việc xét xử phiên tòa phải công khai, nguyên tắc công khai là công khai toàn bộ phiên tòa, không chỉ thời gian khai mạc, tuyên án, hay công bố quyết định nhưng nếu cứ để người dân tự do ghi âm, ghi hình trong thời gian xét xử sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì ít nhiều cũng tạo nên sự lộn xộn. Tôi đề nghị nên quy định cụ thể hơn về người dân thì không được phép ghi âm, ghi hình và phát trên mạng xã hội gây nhiễu loạn thông tin. Riêng các cơ quan tổ chức, báo chí thì được phép và phải có phòng, khu vực dành riêng cho báo chí…”.

Tại Kỳ họp thứ 7, bàn về Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) vào sáng 28/5, nhiều ĐBQH cho rằng nên cởi mở hơn việc ghi âm ghi hình đối với nhóm đối tượng là phóng viên, báo chí đưa tin tại phiên tòa. Tuy nhiên, báo chí ghi âm, ghi hình phải đúng, rõ, chịu trách nhiệm về bản ghi âm, ghi hình của mình. ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm nên cởi mở hơn trong việc ghi âm, ghi hình phiên tòa với phóng viên báo chí tham dự phiên tòa, song ông cho rằng nên “có một phòng riêng đối với báo chí tác nghiệp chính thống để không gây ảnh hưởng tới phiên tòa”.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH Hải Dương cho biết, thực tế trong thời gian qua cho thấy có rất nhiều các vụ việc, vụ án được đưa tin tràn lan trên báo chí, mạng xã hội, internet một cách không chính thống; cùng với đó là các ý kiến trái chiều từ rất nhiều người dùng mạng xã hội. Việc này đã tạo những tác động, áp lực không nhỏ đến người tiến hành tố tụng tham gia vụ án, có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật, hơn nữa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cá nhân, quyền con người đã được quy định trong hiến pháp. Đại biểu cho rằng việc quy định chặt chẽ hơn hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên “không nên chỉ giới hạn việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp, tuyên án hay công bố quyết định, mà cần giới hạn thêm ghi âm. Đề nghị nên quy định cởi mở hơn việc ghi hình tại phiên tòa đối với nhóm đối tượng là phóng viên, báo chí, truyền hình, bởi họ là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn, lại bị ràng buộc bởi công việc nên việc thông tin chắc chắn sẽ có sự chuyên nghiệp và tính khách quan hơn. Đây cũng là ý kiến, kiến nghị của nhiều cử tri là phóng viên, kỹ thuật viên truyền hình, báo chí…

ĐBQH Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Tòa án sơ thẩm chuyên biệt khi được thành lập sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, tố tụng hành chính. Với vấn đề tố tụng hành chính, theo ĐBQH Nguyễn Tạo, nhiều người đang băn khoăn bởi hiệu lực pháp luật của các bản án hành chính hiện nay không cao, thực tế bị tắc nghẽn. Nguyên nhân là bởi có yếu tố phụ thuộc, liên quan tới mối tương quan giữa tòa án hành chính với ủy ban hành chính các cấp do phụ thuộc vào cấp ủy địa phương, cơ sở vật chất phát sinh (ví dụ như cơ chế xin và cho)… Như vậy, yếu tố khách quan khi xét xử lý vụ án hành chính (ví dụ Tòa án Nhân dân cấp tỉnh xét xử liên quan đến một quyết định hành chính của UBND cấp tỉnh) sẽ rất khó. ĐBQH Nguyễn Tạo trăn trở và bày tỏ mong muốn cần có tòa án chuyên biệt để đảm bảo việc xử lý các bản án hành chính khách quan.

Có đại biểu đề nghị dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) nên quy định về 3 loại Tòa án sơ thẩm chuyên biệt gồm Tòa án Nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hành chính, Tòa án Nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ, Tòa án Nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phá sản. Việc thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt trên là cần thiết và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác xét xử. Tòa án sơ thẩm chuyên biệt hành chính nếu được thành lập tách biệt hẳn với đơn vị hành chính địa phương thì sẽ đảm bảo tính khách quan hơn trong công tác xét xử, hạn chế được tâm lý nể nang, e ngại của thẩm phán khi giải quyết các vụ án hành chính. Đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu quy định rõ điều kiện, tiêu chí thành lập các tòa án chuyên biệt trong dự thảo luật.

ĐBQH Nguyễn Tạo cũng cho rằng, trước mắt chỉ nên triển khai thí điểm việc hình thành tòa án chuyên biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, bởi tỷ lệ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, khiếu nại về sở hữu trí tuệ rất lớn và thực tế này sẽ trở thành “mâu thuẫn lớn” trong tương lai…