Tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho lứa tuổi học sinh

HỒNG THẮM 17:14, 23/05/2024

(LĐ online) - Thời gian qua, việc đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với đối tượng học sinh đã mang lại hiệu quả tích cực, học sinh vi phạm có chiều hướng giảm.

Lực lượng CSGT các địa phương tăng cường tuyên truyền về ATGT trong trường học
Lực lượng CSGT các địa phương tăng cường tuyên truyền về ATGT trong trường học

 

NHIỀU GIẢI PHÁP SÁNG TẠO

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tiếp - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh, trong năm qua, sự phối hợp giữa lực lượng CSGT và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong lứa tuổi học sinh đã được triển khai thường xuyên, nghiêm túc. Đặc biệt là trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; Chỉ thị số 23-CT-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư và Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ...

Trong quý I/2024, lực lượng công an và giáo dục đã tổ chức ký cam kết cho 353/444 cơ sở giáo dục (đạt tỷ lệ 79,5%); 148.570/225.438 học sinh (đạt tỷ lệ 65,9%); 119.827/225.438 phụ huynh (đạt tỷ lệ 52,15%). Lực lượng Công an đã trực tiếp tổ chức 377 buổi tuyên truyền tại 444 cơ sở giáo dục từ cấp tiểu học trở lên (đạt tỷ lệ 84,9%). Hầu hết cán bộ, đảng viên, nhà giáo, nhân viên và học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đồng thời ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

Một số đơn vị trường học đã có những sáng kiến, giải pháp trong công tác tuyên tuyền, phổ biến giao dục pháp luật về TTATGT; giải tình trạng ùn tắc giao thông, phòng chống  tai nạn giao thông (TNGT), điển hình như: Bố trí giờ tan trường lệch nhau giữa các cụm trường trên địa bàn TP Đà Lạt (khu vực đường Nhà Chung, Trần Phú, TP Đà Lạt - nơi có nhiều điểm trường như: THPT chuyên Thăng Long, THCS & THPT Tây Sơn, THCS Quang Trung đã bố trí lệch giờ tan trường từ 15 đến 30 phút).

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào các môn học Đạo đức, Giáo dục Công dân, Ngữ văn, Tiếng Việt..., các buổi sinh hoạt và các buổi chào cờ đầu tuần. Nội dung tuyên truyền gồm thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe đạp điện, xe máy điện, xe mô tô để tham gia giao thông, mặc áo phao khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy; đã uống rượu bia tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Các mô hình Cổng trường an toàn giao thông được triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và người dân
Các mô hình Cổng trường an toàn giao thông được triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và người dân

Chú trọng xây dựng “Văn hóa giao thông” trong nhà trường, tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm an ATGT; tổ chức cho phụ huynh ký cam kết không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông; đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức và nội dung phù hợp.

Triển khai tuyên truyền hưởng ứng Cuộc thi “Sáng kiến ATGT Việt Nam năm 2023” theo Kế hoạch số 1146/KH-C08-P4 ngày 29/3/2023 của Cục CSGT - Bộ Công an. Với ý tưởng “Một số giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông ở cổng trường vào giờ cao điểm tại Trường THPT Lê Hồng Phong và Trường Tiểu học Hòa Ninh II, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng” của cô Lê Thị Huyền Trâm - Giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong là một trong 16 ý tưởng xuất sắc nhất vượt qua hơn 1.000 ý tưởng trên toàn quốc lọt vào Vòng chung khảo Cuộc thi Sáng kiến ATGT năm 2023 và đoạt giải khuyến khích quốc gia.

Công tác tuyên truyền, ký cam kết và xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” cũng được ngành Công an và ngành Giáo dục đẩy mạnh thực hiện. Tính đến hết quý I/2024, Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với ngành Giáo dục triển khai xây dựng được 296/444 mô hình: “Cổng trường an toàn giao thông” (đạt tỷ lệ 67%). Đáng chú ý có những địa phương như: Đạ Tẻh (38/38), Di Linh (47/47), Cát Tiên (33/33), Bảo Lâm (43/43) đã hoàn thành 100% chỉ tiêu xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên địa bàn.

 Lực lượng chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm
Lực lượng chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm

VẪN CHƯA THỂ XỬ LÝ DỨT ĐIỂM

Tuy nhiên, tình hình vi phạm về TTATGT trong học sinh, sinh viên còn diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi; không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe; vượt đèn đỏ, tình trạng phụ huynh giao xe cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đến trường vẫn diễn ra phức tạp.

Trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã ra quân tuần tra kiểm soát, phát hiện và lập biên bản 1.915 trường hợp học sinh vi phạm (chiếm 3,62% tổng số hành vi đã phát hiện toàn tỉnh), phạt tiền trên 1,55 tỷ đồng, tạm giữ 1.606 xe mô tô. Trong quý I/2024, đã tiến hành 5.086 lượt dừng phương tiện do học sinh điều khiển, phát hiện và lập biên bản 869 trường hợp vi phạm (tương đương 45% so với năm 2023), thông báo 547 trường hợp học sinh vi phạm về các cơ sở giáo dục để có biện pháp xử lý, răn đe đối với các trường hợp này.

Tình hình học sinh vi phạm TTATGT còn xảy ra phổ biến, một số địa phương còn ở mức cao như: Lâm Hà: 114 trường hợp (chiếm 13,11%), Bảo Lâm: 177 trường hợp (chiếm 20,36%), Di Linh: 131 trường hợp (chiếm 15%)…

Theo đánh giá, việc xử lý các trường hợp vi phạm về TTATGT còn mang tính chất “giơ cao đánh khẽ”, chưa mang tính chất răn đe do nhiều nguyên nhân; học sinh bị xử phạt vi phạm TTATGT đều hạ bậc hạnh kiểm theo quy định, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của người học. Vì vậy công tác xử lý kỷ luật học sinh vi phạm trong nhà trường thời gian qua chỉ mang tính chất nhắc nhở, giáo dục để hình thành văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của học sinh nên chưa thật sự nghiêm khắc và lan tỏa mạnh trong toàn xã hội. 

Ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận học sinh còn hạn chế như: điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi; không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe; vượt đèn đỏ, dàn hàng ba, hàng bốn, lạng lách; tụ tập trước cổng trường sau giờ tan học, dưới lòng, lề đường... đùa giỡn, nói chuyện hoặc mua quà bánh ở khu vực trước cổng trường gây mất TTATGT...

Cùng với đó, phụ huynh học sinh vẫn có trường hợp chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn khi tham gia giao thông của học sinh; dù đã ký cam kết với nhà trường trong công tác bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông của học sinh nhưng vẫn có trường hợp giao xe trên 50 phân khối cho học sinh tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe... Một số điểm trường, cơ sở giáo dục, các khu vực nhà dân dọc các tuyến đường gần khu vực trường học vẫn còn tình trạng trông, giữ xe mô tô trên 50 phân khối; việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ, trách nhiệm từng chủ thể chưa được phát huy đầy đủ; bên cạnh đó công tác tổ chức giao thông tại một số khu vực trường học chưa được khắc phục và còn nhiều bất cập.

Phân tích các nguyên nhân, theo Thượng tá Nguyễn Văn Tiếp, có cả yếu tố từ gia đình, nhà trường và xã hội. Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho người học chủ yếu triển khai trong nhà trường, còn thiếu sự chung tay phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Bản thân các em học sinh do có sự thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi nên các em luôn muốn khẳng định mình, dễ dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát và thiếu kiềm chế bản thân khi tham gia giao thông.

Thực tế đã chứng minh, việc đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm của ngành Công an đối với đối tượng học sinh đã mang lại hiệu quả tích cực, học sinh vi phạm có chiều hướng giảm, tình hình TNGT liên quan đến học sinh chuyển biến theo hướng tích cực. Có thể xem đây là một trong những giải pháp hữu hiệu, quan trọng nhưng chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Vì thế trong thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện các nội dung đã ký kết. Quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hình thành văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông trong học sinh, sinh viên; góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT, giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên; xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân, gia đình và cộng đồng xã hội.