Bộ Công an điều chỉnh các dự án luật quan trọng nhằm đáp ứng sự phát triển của xã hội 

NGUYỆT THU 06:44, 05/06/2024

Trong Kỳ họp thứ 7 lần này, Quốc hội dự kiến xem xét góp ý các dự án luật do Bộ Công an thực hiện nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung các điều khoản phù hợp liên quan đến Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT), Luật Quản lý sử dụng vật liệu nổ, vũ khí và công cụ hỗ trợ; Luật Phòng, chống buôn bán người; Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn cứu hộ... Đây là những dự án luật hết sức quan trọng nhằm khắc phục những bất cập, kịp thời điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội
Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 lần này gồm 8 chương, 74 điều. Sau 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, các bộ, ngành, UBND và công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong quá trình thảo luận về dự luật này là vấn đề bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. 

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật của Bộ Công an, trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ thì có đến 25.378 vụ, chiếm 88,4% đối tượng sử dụng dao và các phương tiện tương tự dao để gây án. Trong đó, đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ, chiếm 66,4%. Nhiều vụ có đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao, giết người với tình tiết manh động, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đề nghị cần bổ sung trong dự thảo Luật về việc dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn sử dụng dao là công cụ gây án. Việc bổ sung quy định quản lý dao có tính sát thương cao trong dự thảo Luật có bảo đảm giải quyết triệt để những vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.

Đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu là cử tri đại diện cho lực lượng Công an tỉnh đã góp ý nhiều nội dung lớn như: Quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”; cần phân tích, làm rõ hơn ưu điểm, hạn chế đối với từng phương án quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có liên quan đến nồng độ cồn. Việc bổ sung nội dung đấu giá biển số xe ô tô vào dự thảo Luật nhằm luật hóa Nghị quyết số 73 ngày 15/11/2022 của Quốc hội, có đại biểu kiến nghị Quốc hội cần cân nhắc kỹ khi đưa quy định này vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Có đại biểu đề nghị có nên đề xuất cấp giấy phép lái xe cho đối tượng là người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi để điều khiển xe gắn máy không?

Việc bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe; phân hạng giấy phép lái xe có phù hợp với thực tiễn chưa? Cần làm rõ nguồn kinh phí, mục đích, nội dung và phạm vi chi của Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ để có cơ chế, chính sách bền vững để tái đầu tư vào việc bảo đảm cho trật tự, an toàn giao thông. Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý về điểm của giấy phép lái xe, Điều 58 dự thảo Luật, khoản 3 quy định “Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát Giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm”, theo đại biểu đề nghị Quốc hội, ban soạn thảo cần xem xét lại quy định này, bởi lẽ theo Thông tư số 12, ngày 15/4/2017 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì Tổng cục Đường bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe, và nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiệp vụ tổ chức, quản lý công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe; do đó, cần cân nhắc, đánh giá tác động và tính đồng bộ của việc phân cấp, phân quyền trong quản lý lĩnh vực giao thông đường bộ. Về các hành vi bị nghiêm cấm, tại khoản 19, đề nghị cân nhắc thay cụm từ “phá hoại, hủy hoại, làm hư hỏng” bằng cụm từ “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng” để thống nhất với quy định tại Điều 178 Bộ Luật Hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”; do đó, khoản 19 Điều 9 sửa thành: “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng thiết bị điều khiển, giám sát giao thông đường bộ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông”.

Đại diện cán bộ Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh 
góp ý Luật PCCC, cứu nạn, cứu hộ
Đại diện cán bộ Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh góp ý Luật PCCC, cứu nạn, cứu hộ

Về giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ, tại Điều 7 dự thảo Luật, các khoản 1, 2, 4 đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường từ mầm non trở lên. Do đó để đồng bộ giữa kiến thức pháp luật và kỹ năng thực hành, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung việc hướng dẫn kỹ năng lái xe đạp an toàn cho học sinh tiểu học, kỹ năng lái xe đạp điện an toàn cho học sinh trung học cơ sở vào quy định tại khoản 3 Điều 7, đại biểu Tú Anh đề xuất.

Đối với dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện như hiện nay, đặc biệt là khi hội nhập quốc tế về công nghiệp quốc phòng (CNQP) được xác định là một kênh không tách rời của quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh, từng bước đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất và hiệu quả thì xây dựng, phát triển CNQP hiện đại là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng phát triển CNQP thế giới, góp phần hội nhập sâu, rộng và đầy đủ hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Hiện nay, qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo lần này đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của CNQP, đặc biệt là nội dung Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng, mục 7, Chương II từ Điều 41, đến Điều 44, cần quan tâm và xác định rõ về Khung cơ chế chính sách pháp lý cần được ưu đãi phát triển mang tính đặc thù; về chương trình hợp tác quốc tế (trong đó nhấn mạnh việc chuyển giao công nghệ); về Nguồn lực chủ đạo xây dựng nền công nghiệp quốc phòng an ninh; Vị trí của hạt nhân Tổ hợp CNQP và mối quan hệ với một số doanh nghiệp, tổ chức khác trong việc phát triển CNQP... Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung “nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, tiên tiến từ nước ngoài” để đảm bảo tính bao quát trong hoạt động chuyển giao và nhận chuyển giao.

Đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Sau 12 năm triển khai thi hành Luật này, thực tiễn hiện nay đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế nhằm phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật. Theo đó, cử tri Lâm Đồng kiến nghị Quốc hội cần quan tâm đến phạm vi điều chỉnh; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân; về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân… để hoàn chỉnh dự thảo Luật sát thực tiễn hơn. 

Đối với dự thảo Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu đại diện Cảnh sát PCCC Lâm Đồng bày tỏ quan điểm: Quá trình triển khai thi hành Luật PCCC đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi và bổ sung quy định mới, qua thực tiễn thực thi nhiệm vụ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội quan tâm bổ sung kỹ về các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thường xuyên thay đổi, phát sinh mới dẫn đến Luật không quy định bao quát hết. Việc quy định trang bị phương tiện PCCC đối với các loại hình cơ sở, các loại hình nhà ở, nhà sử dụng để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông, về sử dụng điện, sử dụng nguồn lửa và các chất dễ cháy, nổ còn thiếu và hạn chế. Qua rà soát các Luật hiện hành cho thấy mới chỉ có quy định về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố, tai nạn do thiên tai, thảm hoạ, xảy ra trên quy mô lớn, diện rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên ngành đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, phòng thủ dân sự, năng lượng nguyên tử, hóa chất, biển, hải đảo, môi trường…, còn hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ đang thực hiện như sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố, tai nạn thông thường khác lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản Luật, đề nghị cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. 
 
Thực tiễn cho thấy quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong Luật PCCC chưa thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính; quy định về PCCC rừng chưa thống nhất với Luật Lâm nghiệp; quy định về tiêu chuẩn PCCC chưa thống nhất với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật PCCC chưa phân định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thẩm định, thẩm tra về PCCC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định; về khái niệm thẩm duyệt thiết kế về PCCC cũng chưa thống nhất với Luật Xây dựng; quy định về điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy chưa bảo đảm tính khả thi; quy định về bồi thường tài sản tham gia chữa cháy còn quy định chung chung; về quy định xây dựng, phê duyệt phương án chữa cháy, phương án cứu hộ, cứu nạn, bố trí lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, đại diện cử tri là cán bộ cảnh sát PCCC Lâm Đồng kiến nghị.