Tập trung đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, có chọn lọc trên cơ sở tổng hợp, lắng nghe kiến nghị cử tri...; Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều đóng góp, thảo luận, kiến nghị về nhiều nội dung quan trọng, thiết thực cho công tác xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV (đợt 1 họp tập trung tại Hà Nội). Các ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng, góp phần tạo nên thành công kỳ họp. Đặc biệt, Đoàn đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng cho Lâm Đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển trong giai đoạn tới.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 7 (đợt 1) Quốc hội khóa XV |
Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia như: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong phạm vi nhiệm vụ, Chính phủ đã quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với các nội dung chủ yếu như phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện.
Các địa phương đã chủ động bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã kịp thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ.
Việc thực hiện Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đối với việc thăm dò, khai thác khoáng sản Bauxite, sản xuất Alumin, nhôm kim loại đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên và phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các công trình trọng điểm tại Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng chưa thể triển khai thực hiện do vướng về mặt pháp lý, chồng lấn về mặt quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản, rất khó khăn cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự trữ khoáng sản để phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), đơn cử là quy hoạch bố trí tái định cư phục vụ việc giải phóng mặt bằng các tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý, thảo luận, kiến nghị những khó khăn liên quan Nghị quyết 43 |
Đại diện Đoàn Lâm Đồng cũng đưa ra giải pháp và đề xuất để xử lý chồng chéo giữa quy hoạch dự trữ mỏ và khai thác khoáng sản với các quy hoạch phát triển KTXH của Việt Nam như: Quy hoạch phát triển KTXH tổng thể quốc gia, Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng - liên vùng; quy hoạch vùng tỉnh… thì vấn đề quan trọng nhất là cần có sự phối hợp, tính toán toàn diện và sự chủ động trong quản lý và thực hiện quy hoạch để bảo đảm sự phát triển bền vững cho đất nước.
Đoàn Lâm Đồng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch những vùng dự trữ mỏ khoáng sản có liên quan đến khu đô thị, dân cư nông thôn đã hình thành, tồn tại qua rất nhiều thế hệ (có nơi trên 30 năm) và liên quan đến các công trình trọng điểm nhằm phát triển KTXH, bảo đảm an ninh, quốc phòng của địa phương.
Theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn, hiện nay, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới đã chuyển từ xã của vùng khu vực II, khu vực III thành các khu vực I, không còn thuộc danh mục xã khó khăn, dẫn đến không được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn. Và theo Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, dẫn đến một bộ phận người dân sinh sống ở khu vực này không được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách. Thực tế cho thấy, tại những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì vẫn có những hộ người Kinh nghèo nhưng chưa được thụ hưởng đầy đủ các chính sách mặc dù họ cùng sinh sống, lao động sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chịu rủi ro bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và thiếu đất sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Tạo tâm huyết trình bày tại nghị trường Quốc hội: Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách đối với các hộ nghèo, cận nghèo tại các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để người dân được tiếp tục thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi để chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mang lại hiệu quả và có tính bền vững trong thời gian tới.
Góp ý cho Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019, một số địa phương khuyết các vị trí, chức danh nhân sự chủ chốt như: Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, trong khi đó theo quy định thì chức danh Chủ tịch UBND tỉnh còn kiêm nhiệm một số chức danh tại các Ban chỉ đạo, Hội đồng chuyên ngành cấp tỉnh như: Chủ tịch Hội đồng thi đua - khen thưởng tỉnh, các chế định của Chủ tịch UBND tỉnh trong tố tụng hành chính,… không thể triển khai các nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh theo Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng không có Quyền Chủ tịch UBND tỉnh. Đơn cử như tỉnh Lâm Đồng đã khuyết chức danh Chủ tịch UBND tỉnh, không có Quyền Chủ tịch UBND tỉnh gần 150 ngày. Hiện chúng tôi chỉ có một Phó Chủ tịch phụ trách, mà “phụ trách” thì trong luật không có quy định. Lâm Đồng bây giờ, Chủ tịch đã không có, Quyền chủ tịch cũng không. Trong khi, đây là một địa phương có tới 1,5 triệu dân với 42 dân tộc anh em sinh sống, ngân sách thu khá nhất trong các tỉnh miền núi (đạt trên 15.000 tỷ/năm).Vậy mà không có Chủ tịch tỉnh nên gặp rất nhiều khó khăn, hầu như bị tắc. Từ đầu năm đến giờ chúng tôi không có một dự án đầu tư nào. Chúng tôi tha thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp khắc phục ngay lỗ hổng pháp lý này; trong trường hợp không có Chủ tịch kéo dài do các cơ chế, quy trình, quy định của Đảng và Nhà nước thì trong bao nhiêu ngày phải có chế định “Quyền Chủ tịch” để thực hiện các vấn đề thực tế phát sinh tại cơ sở; kịp thời chỉ đạo, điều hành các hoạt động của địa phương nói chung.
Tập trung đầu tư nghiên cứu, thảo luận, phân tích, đại biểu Quốc hội - Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý phát biểu tại nghị trường Quốc hội liên quan đến Nghị quyết số 43/2022/QH15 với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ nhằm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, gói hỗ trợ tài khóa chiếm phần lớn chương trình.
Các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2021-2023, trung bình vẫn ở mức 3,25%. Trong bối cảnh nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới vẫn chứng kiến mức lạm phát cao thì Việt Nam năm thứ 12 liên tiếp hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát, có thể nói là một điểm sáng đáng tự hào. Việc kiểm soát thành công lạm phát đã đóng góp tích cực vào sự ổn định kinh tế vĩ mô nói chung, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào đồng nội tệ và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Những thành công về ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong năm 2023 là một yếu tố rất quan trọng để tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam từ BB lên BB+ (là quốc gia duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong số ít các quốc gia trên thế giới được nâng hạng tín nhiệm), qua đó, gia tăng sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho phục hồi kinh tế bền vững và hiệu quả trong năm 2024.
Về gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ngân sách các cấp đã chủ động đảm bảo nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN đảm bảo từ ngày 1/7/2023. Số liệu về chi tiêu dùng cho thấy năm 2023, chi tiêu cuối cùng của khu vực nhà nước ước tăng 3,7 % so cùng kỳ, cao hơn mức tăng tiêu dùng chung. Điều này là một phần từ việc tăng lương cho cán bộ, công chức và người về hưu vào tháng 7/2023, tạo tiền đề tốt cho việc cải cách tiền lương được thực hiện từ 1/7/2024.
Tuy vậy, quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nói chung và Nghị quyết số 43/2022/QH15 nói riêng còn có một số tồn tại, hạn chế và Đoàn Lâm Đồng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm khắc phục một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo và tính khả thi, dẫn đến việc nhiều bộ, ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn và/hoặc gây thêm chi phí (thời gian, tài chính) không cần thiết cho doanh nghiệp. Chi đầu tư phát triển giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa song tiến độ giải ngân vẫn chậm, không đạt kế hoạch. Ngoài chính sách miễn giảm thuế có tác dụng rõ rệt thì các chính sách khác còn khá mờ nhạt như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất hay chương trình hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp. Gói hỗ trợ nhà ở mặc dù được coi là rất có ý nghĩa về mặt xã hội, nhưng triển khai trên thực tế cũng còn nhiều khó khăn, chưa được như kỳ vọng cả về phía người mua và doanh nghiệp. Cần các giải pháp điều chỉnh tổng cầu của nền kinh tế; Cần tiếp tục các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa; xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp, để kích cầu; cần chú trọng đến việc lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng "no dồn, đói góp” trong chi đầu tư. Trong đó, cần tháo gỡ các quy định ảnh hưởng đến giải ngân chi đầu tư nói chung và chi đầu tư từ nguồn vốn ODA nói riêng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin