Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - hướng đến bảo vệ người lao động

NGUYỆT THU 06:47, 04/06/2024

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là dự án Luật rất khó, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, phải bảo đảm đồng thời tối ưu quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng - hưởng và an toàn. Luật có tác động và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động, vì vậy việc trưng cầu ý kiến góp ý, sửa đổi được Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo Luật có hiệu quả khi đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động.

Trên cơ sở ý kiến cử tri Lâm Đồng, đại biểu Nguyễn Tạo đã góp ý về dự thảo 
Luật BHXH (sửa đổi) nhằm hướng đến bảo vệ quyền lợi người lao động
Trên cơ sở ý kiến cử tri Lâm Đồng, đại biểu Nguyễn Tạo đã góp ý về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nhằm hướng đến bảo vệ quyền lợi người lao động

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 10 chương với 142 điều, tăng 6 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV. Việc cân đối, tăng trưởng quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong dài hạn là điều được đặt ra. 

Một trong số những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến, đó là lựa chọn phương án về quy định rút BHXH một lần, đảm bảo quyền lợi tối ưu cho người lao động và làm gì để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần gia tăng trong thời gian vừa qua khi thực tế người lao động vẫn có nhu cầu hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền mặt nhằm giải quyết khó khăn trước mắt.

Về vấn đề hưởng BHXH một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 74 và điểm đ khoản 1 Điều 107. 

Tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, cử tri Lâm Đồng kiến nghị nên có quy định cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước, sổ BHXH là tài sản của người lao động, để giải quyết, đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội có thể tạo điều kiện cho người lao động vay vốn khi gặp khó khăn nếu có đóng BHXH, tránh việc ồ ạt rút bảo hiểm 1 lần rất lãng phí cho người lao động…

Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội hai phương án: 

Phương án 1: Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện. Nhóm 2: Người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Theo dự thảo Luật trình lấy kiến với 2 phương án đưa ra để thảo luận lần này đều chưa thỏa mãn được yêu cầu. Có đại biểu đề nghị việc người lao động nghỉ việc hưởng BHXH một lần là việc “cực chẳng đã”, số lượng người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng và khi người lao động chọn phương án này sẽ tự tách khỏi “lưới an sinh”. Do đó, cần có nguồn quỹ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại, để người lao động quay trở lại thị trường lao động, có công ăn việc làm sẽ trả khoản nợ này, mà không cần phải lựa chọn hưởng BHXH một lần.

Phương án 1 và cũng là ý kiến của đa số người lao động một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Theo dự kiến từ 1/7 tới đây, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30%. Đây là nội dung được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, vì vậy rất cần có sự đánh giá một cách toàn diện và kỹ càng hơn về vấn đề này. Vì sau cải cách tiền lương thực tế thì tiền lương đóng BHXH từ ngày 1/7 năm 2020 trở đi đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đều tăng. Cần thiết phải nghiên cứu tính toán, điều chỉnh lại mức tham chiếu tính BHXH cho phù hợp hơn.

Để đảm bảo Luật đi vào cuộc sống và thống nhất với chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: Về vấn đề xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều 36, 37, 38, 39: Xuất phát từ tình hình thực tiễn nhằm khắc phục tình trạng này, tại khoản 4 Điều 40 dự thảo Luật có quy định: “Áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam”. Tuy nhiên, tại Điều 36 của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam không có quy định việc tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH. Vì vậy đề nghị dự thảo Luật cần xem xét vấn đề này đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Hai là, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thụ hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật BHXH, tại khoản 1 Điều 130 dự thảo Luật có quy định: “… việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan BHXH được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Tại khoản 2 Điều 130 lại quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính trong hoạt động thanh tra về BHXH được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Trong khi đó viện dẫn tại Điều 94 Luật Thanh tra quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của người tiến hành thanh tra và quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại…”. Như vậy, việc quy định pháp luật nào thì cần được làm rõ. Riêng trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển đến cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ hơn...

Cử tri đại diện cho Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị nên có chính sách hỗ trợ thêm cho đối tượng người nghèo tham gia bảo hiểm tự nguyện; nên vận động để người dân hiểu về ý nghĩa, giá trị khi tham gia bảo hiểm tự nguyện, không cần đợi khi phát bệnh mới tham gia bảo hiểm; về trợ cấp mai táng phí kiến nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn để xác nhận chủ thể đứng ra lo mai táng, trong trường hợp không phải thân nhân. Với đối tượng thất nghiệp cần có chính sách tạo điều kiện giải quyết việc làm, vay vốn khi đã thực hiện trợ cấp 1 lần. Về an sinh xã hội, đề nghị Luật hướng đến cần đảm bảo sự bền vững.