Xe công nông lưu thông trên đường phố sẽ bị phạt nặng và bị tịch thu phương tiện

NGUYỄN NGHĨA 06:06, 26/06/2024

Xe công nông từ lâu đã trở thành phương tiện gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở những khu vực miền núi như Lâm Đồng. Với ưu điểm giá rẻ, dễ dàng di chuyển trên địa hình phức tạp, xe công nông đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, do sự gia tăng của các phương tiện giao thông, xe công nông lưu thông trên đường phố, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho an toàn giao thông (ATGT). 

Xe công nông trên QL 20
Xe công nông trên QL 20

Xe công nông là phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hoá phục vụ xây dựng và sản xuất nông nghiệp của nhiều nông dân ở Lâm Đồng. Tuy nhiên, khi di chuyển trên đường, loại phương tiện này có nguy cơ rất lớn gây rất mất ATGT.

Sau một thời gian ra quân triển khai xử lý nghiêm các loại xe công nông lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trong thời gian gần đây, trên địa bàn nhiều huyện, thành của tỉnh lại xảy ra tình trạng xe công nông, xe 3 bánh, 4 bánh tự chế xuất hiện trở lại tham gia giao thông gây nguy cơ mất ATGT, thậm chí có những trường hợp gây tai nạn giao thông thương tâm. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh.

Tại Hội nghị về ATGT của tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã yêu cầu các huyện siết chặt quản lý hoạt động của xe công nông. Cụ thể, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe công nông tham gia giao thông không đúng quy định. Đồng thời, rà soát, cho ký cam kết với chủ phương tiện xe công nông, xe tự chế về việc chấp hành các quy định về ATGT và yêu cầu họ không sử dụng xe vi phạm để tham gia giao thông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, vận động 100% chủ xe công nông, xe tự chế ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về ATGT và tự động chuyển đổi phương tiện đảm bảo an toàn theo quy định.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày giữa tháng 6/2024, trên Quốc lộ 20 vẫn còn tình trạng xe công nông chở người và nông sản di chuyển. Loại xe này di chuyển chậm, cồng kềnh, gây cản trở giao thông cho các phương tiện khác, đặc biệt nguy hiểm vào ban đêm hoặc lúc trời nhá nhem do nhiều xe không có đèn hậu hoặc đèn chiếu sáng không đủ.

Cán bộ Đội Tuyên truyền Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh cho biết: Theo Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt người điều khiển xe công nông như sau:

Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe đăng ký tạm, xe có phạm vi hoạt động hạn chế hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép; Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng); Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, rơ moóc và sơ mi rơ moóc được kéo theo).

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm c khoản 7 Điều này bị tịch thu phương tiện (trừ trường hợp xe ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách có niên hạn sử dụng vượt quá quy định về điều kiện kinh doanh của hình thức kinh doanh đã đăng ký nhưng chưa quá 20 năm tính từ năm sản xuất, xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách) và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;...

Quy định đã có, nhưng trong thực tế, để giải quyết dứt điểm tình trạng này không dễ vì ý thức của người dân về vấn đề này chưa cao, suy nghĩ còn đơn giản. 

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, đa phần người dân nông thôn đều biện minh rằng, Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, ở một số huyện, đời sống kinh tế phần lớn là dựa vào nông nghiệp và còn khó khăn. Trong khi đó, địa hình những nơi canh tác nông nghiệp đa phần không bằng phẳng, phức tạp nên các loại xe tải thông thường không phải chỗ nào cũng có thể vận chuyển đến. Xe công nông, xe tự chế có ưu điểm luồn lách địa hình, tiết kiệm chi phí nên được bà con lựa chọn sử dụng. 

Tuy nhiên, việc những loại xe này lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT và cả gây hư hỏng đường sá vì loại xe này thiết kế thô sơ, không đảm bảo an toàn, dễ gây ra tai nạn, đặc biệt là vào ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu.

Ngoài ra, xe công nông còn gây cản trở giao thông do di chuyển chậm, chở hàng cồng kềnh, làm ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông của các phương tiện khác. Việc xe công nông chở quá tải cũng góp phần làm hư hỏng mặt đường, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng. Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do xe công nông gây ra.

Vì vậy, việc tuân thủ nghiêm những quy định là rất cần thiết để dần tạo ý thức chấp hành giao thông, đảm bảo ATGT và tiến tới, bà con nông dân sẽ quan tâm chuyển đổi dần các loại hình xe lưu thông trên đường phố đảm bảo trật tự  ATGT cho bản thân và người, phương tiện khác.

Căn cứ quy định trên, có thể thấy rằng, nếu xe công nông thuộc diện bị đình chỉ cấm lưu hành mà điều khiển xe công nông đó tham gia lưu thông trên đường sẽ vi phạm lỗi điều khiển xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, rơ moóc và sơ mi rơ moóc được kéo theo) kể cả khi đoạn đường lưu thông không có biển cấm đối với xe công nông; với lỗi vi phạm này thì người điều khiển sẽ bị phạt 10 triệu đồng. Ngoài mức xử phạt trên còn bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.