Ngành Y tế với các hoạt động kiểm soát, phòng, chống ma túy

AN NHIÊN 00:20, 08/07/2024

Hoạt động kiểm soát, phòng, chống ma túy của ngành Y tế được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố. Chú trọng công tác truyền thông, triển khai các hoạt động phòng, chống ma túy; can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV và hỗ trợ chẩn đoán xác định tình trạng nghiện ma túy, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở điều trị thay thế, điểm cấp phát thuốc Methadone. 

Các Trạm Y tế bố trí điểm phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cố định cho nhóm 
nguy cơ cao nhiễm HIV (trong đó, có đối tượng nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm)
Các Trạm Y tế bố trí điểm phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cố định cho nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV (trong đó, có đối tượng nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm)

Đến nay, toàn tỉnh có 1.875 người nhiễm HIV tích lũy. Trong đó, có 289 người đã chuyển AIDS và 610 người nhiễm HIV tử vong vì các bệnh liên quan đến HIV; hiện còn quản lý 1.077 người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV hiện nay chủ yếu vẫn ở nam giới chiếm 70%, nữ giới chiếm 30% tập trung chủ yếu ở nhóm nghiện chích ma túy chiếm 29,9%. 

Ngành Y tế cũng đã tăng cường công tác quản lý thuốc hướng thần gây nghiện tại các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược phẩm, cơ sở y tế tư nhân - Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với ngành Công an triển khai thực hiện thông tư liên tịch về quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy. Công tác tổ chức và quản lý cai nghiện thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116, ngày 21/12/2021 của Chính phủ. Triển khai hiệu quả vai trò của các tổ giám sát cộng đồng trong quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, các đối tượng có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” để chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật do các đối tượng trên gây ra. Tuy nhiên, các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa được triển khai, do chưa đảm bảo các quy định về cơ sở vật chất, nhân lực.

Ngành Y tế cũng đã triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024 theo chủ đề “Chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn sạch ma túy” từ ngày 1-30/6/2024. Tuyên truyền trực tiếp cho người nghiện chích ma túy thông qua nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng và cán bộ chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Trạm Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố về kiến thức HIV/AIDS, mối quan hệ giữa ma túy và HIV như: đường lây, cách phòng tránh lây nhiễm HIV... Thường xuyên tuyên truyền về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho người nghiện chích ma túy đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng khác nhau về công tác phòng, chống và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý. Hồ sơ, thủ tục, hóa đơn mua, sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần của các cơ sở luôn tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 20, ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Dược và Nghị định số 54, ngày 8/5/2017 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Triển khai công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người sử dụng ma túy. Cán bộ y tế chương trình phòng, chống HIV/AIDS tuyến huyện, tuyến xã thường xuyên tiếp cận và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người sử dụng ma túy như truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, phát bơm kim tiêm và bao cao su miễn phí, xét nghiệm HIV… Hiện nay, duy trì phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí cho nhóm người có nguy cơ cao (nghiện chích ma túy, bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới, bạn tình của người nhiễm HIV) thông qua các điểm phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cố định và cán bộ chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại các Trạm Y tế, lồng ghép các biện pháp giảm lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác qua đường tiêm, chích ma túy. Ngoài ra, tại TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng thực hiện phát bao cao su, bơm kim tiêm và xét nghiệm HIV tại cộng đồng miễn phí thông qua nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới khi có nhu cầu (trong đó có nhóm người sử dụng ma túy).

Lâm Đồng hiện có 126 cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định. Trong đó, 5 cơ sở y tế tuyến tỉnh, 12 cơ sở y tế tuyến huyện, 108 cơ sở y tế tuyến xã và 1 cơ sở ngoài ngành Y tế (Cơ sở cai nghiện ma túy số 2). Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã triển khai xác định nghiện ma túy cho 617 trường hợp. 

Trong tỉnh có 1 cơ sở điều trị thay thế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng và 3 cơ sở cấp phát thuốc gồm các Trung tâm Y tế Đạ Tẻh, Lâm Hà và Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc. Kết quả công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone: Tổng số người bệnh tham gia điều trị Methadone toàn tỉnh tích lũy đến tháng 5/2024 là 1.036 người, trong đó 253 người (24,4%) người bệnh đang điều trị. Số bệnh nhân bỏ điều trị 768 người (74,1%). Có thêm 12 bệnh nhân tham gia đăng ký điều trị mới. 

Số bệnh nhân hiện đang điều trị Methadone tại cơ sở điều trị Methadone và cấp phát thuốc Methadone đều giảm so với 6 tháng đầu năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 253 bệnh nhân đang điều trị Methadone (đạt 68,2% so với chỉ tiêu giao). Nguyên nhân do một số bệnh nhân tự ý bỏ trị, không sắp xếp được công việc để đến cơ sở uống thuốc Methadone hàng ngày, hoặc bị bắt cũng như bệnh nhân chuyển qua sử dụng loại ma túy khác...

Toàn tỉnh hiện có 217 cán bộ y tế đã được tập huấn và cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục về chẩn đoán xác định tình trạng nghiện ma túy. Hiện nay, không có giáo dục viên đồng đẳng, cộng tác viên thực hiện can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nghiện chích ma túy (phân phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí... cho người sử dụng ma túy). Việc thực hiện phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV (trong đó, có đối tượng nghiện chính ma túy, phụ nữ mại dâm) được thực hiện thông qua các điểm phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cố định hoặc cán bộ y tế chương trình phòng, chống HIV/AIDS tuyến huyện, tuyến xã. 

Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người sử dụng ma túy; công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; chẩn đoán xác định tình trạng nghiện ma túy.