Sử dụng xe tự chế, xe cấm lưu thông gây tai nạn sẽ bị xử lý hình sự

NGUYỄN NGHĨA 04:48, 17/07/2024

Sau 4 năm triển khai Chỉ thị 02/CT-UBND về việc nghiêm cấm các loại xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh, xe hết niên hạn sử dụng lưu thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho đến nay đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân sử dụng các loại xe này lưu thông trên đường, gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc.

Xe công nông lưu thông trên Quốc lộ 20
Xe công nông lưu thông trên Quốc lộ 20

XE CẤM LƯU HÀNH GÂY TAI NẠN SẼ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Phạm Vũ Hùng - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc sử dụng phương tiện bị cấm lưu hành gây ra tai nạn sẽ bị khởi tố hình sự và còn có thể bị áp dụng các tình tiết tăng nặng.

Cụ thể, theo Khoản 4 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, việc đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật là hành vi bị nghiêm cấm tham gia giao thông đường bộ.

Ngoài ra, theo Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi sử dụng xe tự chế trái quy định tham gia giao thông như sau:

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy: phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như bị tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Đối với người điều khiển xe ô tô: phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như bị tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe chuyên dùng: phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng.

Khi sử dụng xe tự chế, xe cấm lưu hành gây tai nạn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 - 100.000.000 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm tùy theo mức độ và hậu quả; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm; bồi thường thiệt hại về người và tài sản.

• CẦN TIẾP TỤC XỬ LÝ NGHIÊM XE CÔNG NÔNG, XE TỰ CHẾ LƯU THÔNG TRÊN ĐƯỜNG 

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2023, cả nước đã xảy ra hơn 1.000 vụ tai nạn giao thông do xe tự chế, xe cấm lưu thông gây ra, làm chết hơn 500 người và bị thương hơn 1.000 người khác.

Tình trạng xe công nông, xe tự chế lưu thông trên đường từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Nhằm giải quyết vấn đề này, năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc nghiêm cấm lưu thông các loại xe này trên địa bàn.

Triển khai thực hiện Chỉ thị này, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc sử dụng xe công nông, xe tự chế. Cụ thể, các huyện đã phối hợp với lực lượng công an xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm như: xe hết hạn kiểm định, xe máy kéo theo xe khác, lắp thùng xe không đúng tiêu chuẩn, xe ba gác, xe chở hàng cồng kềnh.

Ngoài ra, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã chỉ đạo tổ chức rà soát từng hộ dân trên địa bàn có phương tiện xe công nông, xe cơ giới tự chế để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

Mới đây nhất, tại cuộc họp về ATGT của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh và các địa phương, sở, ban, ngành liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện việc nghiêm cấm các loại xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh, xe hết niên hạn sử dụng bị cấm lưu thông trên các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt, tập trung tuyên truyền sinh động, hiệu quả để người dân hiểu và tuân thủ quy định, chú trọng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ, hủy bỏ các phương tiện vi phạm, đồng thời cam kết không đưa các phương tiện này vào tham gia giao thông.