(LĐ online) - Liên quan đến vụ việc người dân phản ánh “vay 270 triệu đồng nhưng tòa án buộc phải trả cho chủ nợ hơn 4 tỷ đồng” tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tại xã Lát, huyện Lạc Dương ngày 1/7, bước đầu, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng khẳng định đây là vụ án tranh chấp dân sự, không có yếu tố của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Đây cũng là vụ việc được dư luận tại địa phương quan tâm do địa bàn tỉnh những năm qua có nhiều trường hợp người đồng bào dân tộc thiểu số vay nợ, sau đó không có khả năng chi trả phải sang nhượng vườn, nhà đất... gán nợ. Và, nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài, để lại nhiều hệ lụy.
Bà K'Them cho biết sau 8 năm vay số tiền 270 triệu đồng, bà phải đền bù số tiền lên đến 4,1 tỷ đồng nên đã kháng cáo lên Toà án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng |
• SANG NHƯỢNG 2 LÔ ĐẤT ĐỂ TRẢ NỢ VAY 270 TRIỆU
Theo trình bày của bà Kơ Să K’Them (57 tuổi, ngụ thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương) và chồng là ông Liêng Hót Ha Chông (66 tuổi), từ năm 2013 tới 2016, ông bà có vay mượn của bà Nguyễn Thị Lệ Hồng (57 tuổi, trú tại Phường 2, TP Đà Lạt) hai lần với số tiền lần lượt là 100 triệu đồng và 170 triệu đồng.
Đến tháng 2/2016, do bà K’Them không có khả năng trả tiền gốc và tiền lãi nên hai bên thống nhất chốt tổng số tiền bà K'Them nợ bà Hồng là 375 triệu đồng; đồng thời, bà K'Them đồng ý lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (viết tay) hai thửa đất cho bà Hồng với giá 500 triệu đồng.
Thời điểm này, theo quy định về hạn điền đối với đất của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là “khi chuyển nhượng nhà, đất, người chuyển nhượng phải có nhà và đất khác, được UBND cấp xã xác nhận mới đủ điều kiện chuyển nhượng” nên hai bên chưa làm thủ tục sang tên các thửa đất.
Ngày 28/7/2019, bà K’Them có đơn tố cáo tới Công an huyện Lạc Dương về hành vi bà Hồng mượn tài sản và chiếm đoạt 300 triệu đồng của gia đình bà. Tuy nhiên, qua xác minh không có căn cứ xử lý hình sự nên Công an huyện Lạc Dương đã hướng dẫn bà K’Them khởi kiện vụ việc tới Toà án Nhân dân huyện.
Quá trình giải quyết vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, vợ chồng bà K’Them có đơn phản tố, yêu cầu giải quyết số tiền 300 triệu đồng và đơn tố cáo ngày 6/4/2021, về việc bà Hồng chiếm đoạt 7.089 m2 đất và 3.000 m2 đất khác (chưa được cấp sổ). Tuy nhiên, sau đó bà K’Them rút yêu cầu phản tố nội dung này nên Toà án không xem xét.
Ngày 12/12/2020, bà Hồng thấy quy định về hạn điền để chuyển nhượng đất của người dân tộc thiểu số đã hết nên liền khởi kiện vợ chồng bà K’Them, yêu cầu làm thủ tục sang tên các thửa đất trước đó hai bên đã viết giấy tay thỏa thuận chuyển nhượng.
Theo bản án sơ thẩm Toà án Nhân dân huyện Lạc Dương (xét xử ngày 10/6/2024) về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Lệ Hồng và bị đơn là vợ chồng bà Kơ Să K’Them, thời điểm hai bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 2 lô đất bằng giấy viết tay ngày 3/2/2016, thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Ha Chông đứng tên đang thế chấp tại ngân hàng nhưng vẫn lập hợp đồng chuyển nhượng là vi phạm quy định của pháp luật.
Hiện nay, gia đình bà K'Them vẫn đang ở và canh tác nông nghiệp tại 2 lô đất đã sang nhượng bằng giấy viết tay cho bà Hồng |
Bên cạnh đó, bà K’Them cho rằng do bà Hồng đe dọa, gây áp lực về mặt tinh thần, ép buộc vợ chồng ông bà viết giấy sang nhượng quyền sử dụng đất vào ngày 3/2/2016 xuất phát từ việc vay nợ 270 triệu đồng của bà Hồng trước đó. Tuy nhiên, vợ chồng ông Ha Chông không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cho việc nợ.
Từ những phân tích ở trên có căn cứ để xác định hợp đồng sang nhượng đất ngày 3/2/2016 giữa vợ chồng ông Liêng Hót Ha Chông, bà Kơ Să K’Them với bà Nguyễn Thị Lệ Hồng là vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức, nội dung vi phạm điều cấm của luật. Hội đồng xét xử cũng xác định các bên đều có lỗi trong giao kết hợp đồng khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp tại ngân hàng; đồng thời, tuyên huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất viết tay nói trên.
Hội đồng xét xử xác định, các bên đương sự đều có đơn trình bày không yêu cầu đo đạc, định giá lại và thẩm định lại (do đã quá 6 tháng từ thời điểm có kết quả thẩm định giá). Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ vào kết quả đo đạc vào ngày 20/5/2022 và thẩm định giá ngày 20/10/2022 làm căn cứ giải quyết là có cơ sở và đúng quy định.
Theo chứng thư thẩm định giá thì giá trị tài sản tranh chấp khoảng 7,7 tỷ đồng. Số tiền bà Hồng đã thanh toán cho vợ chồng ông Ha Chông, bà K’Them là 500 triệu đồng và bằng 100% giá trị tài sản.
Tính theo giá trị tài sản của chứng thư thẩm định giá thì nguyên đơn đã thanh toán cho bị đơn là 7,7 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số tiền bà Hồng đã giao cho ông Ha Chông, bà K’Them thì số tiền trượt giá khoảng 7,7 tỷ đồng trừ đi 500 triệu đồng còn trên 7,2 tỷ đồng.
Do cả 2 bên đều có lỗi nên số tiền này được chia đôi là 3,6 tỷ đồng và buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền là 3,6 tỷ đồng cộng với 500 triệu đồng là 4,1 tỷ đồng.
• CHƯA CÓ DẤU HIỆU CỦA TỘI CHO VAY LÃI NẶNG
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì, diễn ra vào ngày 1/7, bà K’Them nêu ý kiến: “Tôi vay của bà Hồng 270 triệu nhưng bà Hồng đã trừ lãi trước là 91 triệu, tôi chỉ nhận được tiền mặt là 170 triệu đồng. Sau đó, tôi phải vay ngân hàng 300 triệu đồng để trả hết số tiền đó cho bà Hồng. Tôi yêu cầu bà Hồng phải trả lại sổ đỏ cho tôi, nhưng Tòa án huyện Lạc Dương lại tuyên tôi phải trả cho bà Hồng 4 tỷ đồng. Tôi quá bức xúc và không đồng ý điều đó”.
Bà K'Them nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tại xã Lát, huyện Lạc Dương ngày 1/7 |
Trả lời ý kiến của cử tri K’Them, đồng chí Phan Đình Trạc đã ghi nhận và đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng vào cuộc điều tra, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng phải xem xét lại vụ án có dấu hiệu tội phạm hình sự hay không.
Tiếp nhận ý kiến của đồng chí Phan Đình Trạc tại buổi tiếp xúc cử tri nêu trên, Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và Công an huyện Lạc Dương khẩn trương kiểm tra, xác minh, báo cáo rõ vụ việc để phối hợp với các ngành giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Về nội dung vụ việc của vợ chồng bà K’Them vay tiền của bà Hồng có dấu hiệu cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hay không, Công an tỉnh Lâm Đồng thông tin từ năm 2013 đến năm 2024, Cơ quan Công an chưa nhận được đơn thư nào của bà K’Them cũng như những người vay nợ bà Hồng tố cáo bà Hồng cho vay với lãi suất cao, kiểu tín dụng đen. Hiện nay, nguyên đơn và bị đơn đều có đơn kháng cáo bản án của Tòa án Nhân dân huyện Lạc Dương.
Những năm qua, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp chỉ đạo Công an các huyện, thành phố; trong đó, có Công an huyện Lạc Dương và các phòng chức năng Công an tỉnh mở đợt cao điểm đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" và cho vay lãi nặng trên địa bàn toàn tỉnh. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, Cơ quan Công an đã khởi tố 15 vụ, 21 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, nhiều hơn 9 vụ so với cùng kỳ năm 2023.
Những năm qua, một số trường hợp người dân ở xã Lát, huyện Lạc Dương do vay nợ nhưng không có khả năng chi trả tiền gốc và lãi nên phải sang nhượng đất cho chủ nợ |
Liên quan tới vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng bà Kơ Să K’Them và bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, theo nhận xét của Luật sư Trương Văn Hoàng - Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng hiện nay cả nguyên đơn và bị đơn đều không đồng ý bản án sơ thẩm nên đã kháng cáo đến Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thì nội dung vụ án sẽ chờ Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Tại bản án sơ thẩm, Tòa tuyên “Vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 3/2/2016 giữa vợ chồng bà K’Them với bà Hồng do không tuân thủ quy định về hình thức, nội dung, vi phạm điều cấm của pháp luật”, theo Luật sư Hoàng là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Luật sư Hoàng cho rằng ở đây cần phải quan tâm đến nội dung về phần “các bên phải chịu lỗi của trượt giá tài sản và các chi phí tố tụng như nhau”.
Theo tôi, căn cứ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 3/2/2016 viết tay, vợ chồng bà K’Them cần yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét để xác định lại phần lỗi của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005. Đồng thời, do bản án sơ thẩm đã nhận định các bên đều có lỗi và chấp nhận kết quả thẩm định giá (do đã quá 6 tháng từ thời điểm có kết quả thẩm định giá) để chia đôi số tiền trượt giá giữa hai bên nên Tòa phúc thẩm sẽ tổ chức thẩm định giá lại theo giá thời điểm có sự can thiệp giá theo quy định của Nhà nước để xác định lại phần trượt giá đất và phần lỗi các bên mới biết được số tiền vợ chồng bà K’Them phải đền bù trong vụ tranh chấp là bao nhiêu - Luật sư Hoàng nhận định.
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo của đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 1/7, lãnh đạo UBND tỉnh đã đề nghị công an, các đơn vị, địa phương liên quan làm rõ vụ việc cử tri K’Them phản ánh và yêu cầu hoàn thành trong tháng 7 này để xử lý dứt điểm. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin