Dù tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, thế nhưng, mối lo ngại về TNGT liên quan đến xe máy vẫn chưa được giải quyết triệt để. Xe máy, với số lượng áp đảo so với các phương tiện khác, vẫn đang là "hung thần" cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh |
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, tỉnh Lâm Đồng hiện đang quản lý 100.085 xe ô tô; 1.281.085 xe mô tô. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh phát hiện xử phạt 42.548 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 7.633 xe mô tô, 321 xe ô tô. Cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 261 vụ TNGT, làm 107 người chết, 222 người bị thương thì trong đó xe máy đã gây ra tới 68,96% tổng số vụ TNGT, tương đương 180 vụ, làm 79 người tử vong và 173 người bị thương. Con số này cho thấy, dù tỷ lệ sở hữu ô tô đang ngày càng tăng, nhưng xe máy vẫn là phương tiện được người dân lựa chọn nhiều nhất, kéo theo đó là những hệ lụy về TNGT.
Điều đáng chú ý là, các vụ TNGT liên quan đến xe máy tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc. Đây là những khu vực có mật độ giao thông cao dẫn đến nguy cơ xảy ra TNGT càng lớn. Số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia 6 tháng đầu năm cũng cho thấy rằng, người điều khiển xe máy vẫn đang đối diện với nguy cơ tử vong cao nhất so với người điều khiển các loại phương tiện khác ở Việt Nam, trong đó tỷ lệ tử vong cao vẫn thuộc về xe máy khi xảy ra các va chạm giữa xe máy với xe máy, xe máy với các loại xe ô tô khác. Điều này cho thấy, khi tham gia giao thông, người đi xe máy vẫn luôn là đối tượng thiệt thòi.
Đơn cử 1 số vụ TNGT do xe mô tô gây ra dẫn đến hậu quả thương tâm như vụ tai nạn xảy ra vào ngày 7/7/2024 trên Quốc lộ 20 đoạn qua xã Lộc An, huyện Bảo Lâm. Vụ tai nạn xuất phát do va chạm giữa 2 xe gắn máy nhưng không may người trên xe máy ngã ra đường, đúng lúc này lại bị xe ô tô cùng chiều đi phía sau chạy đến và không kịp xử lý đã cán qua người bị ngã và làm một người tử vong.
Hay như vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 5/3 tại đường Nguyễn Văn Cừ (TP Bảo Lộc). Vụ va chạm giữa 2 xe gắn máy đang chạy cùng chiều đã khiến một học sinh do bị thương nặng đã tử vong tại bệnh viện… Hay vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn TP Đà Lạt khi một thanh niên điều khiển xe máy chạy từ hẻm qua đường thiếu quan sát đã bất ngờ tông vào xe ô tô và tử vong... Và rất nhiều vụ tai nạn thương tâm khác.
Nguyên nhân chính của các vụ TNGT xảy ra với xe gắn máy theo phân tích vẫn chủ yếu đến từ ý thức của người tham gia giao thông. Việc vi phạm Luật Giao thông như vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chuyển làn đường không đúng quy định... vẫn diễn ra phổ biến không chỉ ở Lâm Đồng mà ở nhiều địa phương khác. Bên cạnh đó, các yếu tố như thời tiết, đường sá xuống cấp, cũng góp phần làm tăng nguy cơ xảy ra TNGT đối với loại phương tiện này.
Tình trạng này đặt ra nhiều thách thức đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tuyên truyền Luật Giao thông, để giải quyết vấn đề này, rất cần có sự chung tay của cả cộng đồng, từ người dân, gia đình, nhà trường đến các cơ quan chức năng và cả chính quyền địa phương. Trước mắt, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ Luật Giao thông, tham gia giao thông một cách văn minh, để bảo vệ sức khoẻ, tài sản, tính mạng của bản thân, gia đình và sau đó cùng góp phần vào việc xây dựng một môi trường giao thông trách nhiệm, an toàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin