Các tiện ích của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), đến nay đã được ứng dụng vào thực tế, giúp người dân, doanh nghiệp địa phương được tiếp cận, thụ hưởng ngày càng tốt hơn.
Quang cảnh hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về kết quả triển khai Đề án 06 |
Thông tin trên vừa được công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 6 tháng đầu năm về kết quả triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số do đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng chủ trì.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2024, Đề án 06 tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có sự chuyển biến về nhận thức, thể hiện quyết tâm chính trị cao, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới trong triển khai và tổ chức thực hiện và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra theo lộ trình kế hoạch.
Công an tỉnh tập trung lực lượng hướng dẫn bà con thực hiện cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử |
Nổi bật với nhóm tiện ích cung cấp dịch vụ công, kết quả tại tỉnh có 100 thủ tục hành chính (TTHC) có yêu cầu nộp, xuất trình hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú đã được khai thác dữ liệu dân cư phục vụ định danh và xác thực điện tử, không yêu cầu người dân, tổ chức phải nộp các giấy tờ trên trong quá trình giải quyết TTHC. Tỉnh cũng đã triển khai các giải pháp chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tổ chức thực hiện chuyển đổi, sử dụng tài khoản VNeID trong thực hiện TTHC.
Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai cung cấp 1.179 dịch vụ công trực tuyến. Tính đến ngày 15/6/2024, đã tiếp nhận, giải quyết 257.417 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (đạt 91,99% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận). 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, 100% TTHC triển khai thanh toán trực tuyến đều phát sinh giao dịch trực tuyến. Tại thời điểm báo cáo, tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 64,03%, phát sinh 191.643 giao dịch thanh toán trực tuyến với tổng số tiền gần 13,9 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 451 dịch vụ công đủ điều kiện đưa lên dịch vụ công toàn trình và 760 dịch vụ công trực tuyến một phần. Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ đối với “Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công”, tỉnh Lâm Đồng được xếp loại tốt.
Quét vân tay làm thẻ căn cước cho trẻ em trên 6 tuổi. Ảnh: D.T |
Trong khi đó, với nhóm tiện ích phuc vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tăng cường ứng dụng tiện ích của Đề án 06 phục vụ lợi ích chính đáng của công dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nổi bật như: hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng chính sách an sinh xã hội; Nâng cao tỷ lệ sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip tích hợp Bảo hiểm y tế (BHYT) trong khám, chữa bệnh; Ứng dụng tiện ích của VNeID vào đời sống Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống tội phạm.
Riêng với nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thu nhận hồ sơ cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử trên địa bàn. Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, đã thu nhận 28.692 hồ sơ đề nghị cấp CCCD; 24.124 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử, kích hoạt hơn 14 ngàn tài khoản. Trong đó, thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 8.538 học sinh đủ điều kiện (đạt 100%) phục vụ tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Lũy kế đến ngày 15/6/2024, toàn tỉnh đã thu nhận 1.417.234 hồ sơ cấp CCCD; Cấp 1.200.980 tài khoản định danh điện tử và kích hoạt 877.958 tài khoản định danh điện tử.
Cùng với đó, đã thu thập, cập nhật thông tin biến động cư trú 24.666 học sinh (đạt tỷ lệ 100%) phục vụ xét ưu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng và tuyển sinh đầu cấp tại các trường dân tộc nội trú năm 2024. Và đã tạo lập 1.362.864 hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, đạt hơn 97%.
Song song với đó, địa phương cũng đã triển khai hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư. Trong đó, đã số hóa, chuyển chính thức phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung 1.292.137/1.690.505 dữ liệu hộ tịch; số hóa 5,429 sổ, 434.866 dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Đồng thời, đã số hóa dữ liệu hơn 642 ngàn hồ sơ thửa đất tại 12/12 huyện, thành phố. Thu thập, cập nhật thông tin gần 207 ngàn phương tiện giao thông đường bộ lên hệ thống CSDLQG. Riêng công tác làm sạch dữ liệu ngành đã được các sở, ngành quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực...
Tại hội nghị này, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng đã tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới theo chức năng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đã đạt được trong công tác triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, trong đó lực lượng công an Nhân dân là vai trò nòng cốt, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cũng nhấn mạnh: Thời gian tới, cần tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, có sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phải nói thật, làm thật để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do Đề án 06 mang lại theo tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin