Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay, vấn đề tai nạn giao thông, vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn là một vấn đề nóng hổi, nhận được sự quan tâm của xã hội. Để giải quyết những thách thức này, việc xây dựng văn hóa giao thông trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, song song với việc cải thiện hạ tầng giao thông.
Cảnh sát Giao thông tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh |
Văn hóa giao thông không chỉ đơn thuần là việc tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, mà còn bao gồm ý thức về sự tự giác, tôn trọng luật pháp và người khác. Khi mỗi cá nhân hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa giao thông và tự nguyện tuân thủ, sẽ tạo ra một môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Văn hóa giao thông là việc tuân thủ đúng, làm mẫu mực và tự giác với Luật Giao thông. Điều này đòi hỏi các hành vi phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, thực hiện đúng luật pháp và tôn trọng mọi người, đảm bảo an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự xã hội.
Trật tự và an toàn trong giao thông chỉ có thể đạt được khi mỗi người tham gia giao thông tự giác tuân thủ Luật Giao thông. Văn hóa giao thông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức tự giác của cá nhân, mà còn điều tiết các hành vi của người tham gia giao thông một cách hiệu quả, góp phần ngăn chặn việc vi phạm Luật Giao thông ngay cả khi không có sự giám sát của Cảnh sát Giao thông hay camera giám sát giao thông.
Văn hóa giao thông được xây dựng và hình thành trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về Luật Giao thông và sự nghiêm túc trong việc tuân thủ luật pháp khi tham gia giao thông. Nó là động lực thúc đẩy nhận thức và hành động của người tham gia giao thông để ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho mọi người trong giao thông.
Ở Lâm Đồng, những nỗ lực nâng cao hiểu biết và tuân thủ Luật Giao thông thời gian qua đã được thực hiện thông qua các hoạt động tuyên truyền của Ban An toàn giao thông tỉnh, địa phương cũng như các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội các cấp. Đội Tuyên truyền của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng có lẽ là đơn vị hoạt động mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực này khi thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về pháp luật giao thông tại các khu vực vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh, trường học, cơ sở công đoàn và cho đội ngũ các lái xe chuyên nghiệp bằng rất nhiều hình thức khác nhau.
6 tháng đầu năm nay, Đội Tuyên truyền Phòng Cảnh sát Giao thông cũng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đã tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho đồng bào, giáo dân tại xã Đạ Tông, một xã vùng sâu huyện Đam Rông; tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe an toàn tại Học viện Donbosco; học sinh Trường Trung học cơ sở thị trấn Mađaguôi; Trường Tiểu học Trần Quốc Toản; tổ chức 4 đợt tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở với sự tham gia của hơn 3.000 người. Đồng thời, tổ chức phát hơn 3.000 cẩm nang, tờ rơi về ATGT; Tổ chức vận động, tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về trật tự ATGT cho 2.550 lái xe, lao động tự do trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, có thể nói tình hình trật tự ATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn có những diễn biến phức tạp, chưa ổn định; vi phạm trật tự ATGT, tai nạn giao thông, số vụ vi phạm hành chính về trật tự ATGT vẫn có xu hướng tăng. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh phát hiện xử phạt 42.548 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 7.633 xe mô tô, 321 xe ô tô; thu phạt 57 tỷ 582 triệu đồng, tước 5.739 giấy phép lái xe.
Trong bối cảnh hạn chế về hạ tầng giao thông và chất lượng phương tiện công cộng, ý thức trong giao thông chỉ có thể được xây dựng và duy trì dựa trên nền tảng văn hóa giao thông của mỗi cá nhân. Vì vậy, để xây dựng và duy trì văn hóa giao thông, tạo ra một môi trường giao thông an toàn, văn minh và phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc tích cực từ phía cơ quan chức năng, cũng rất cần sự chung tay, nỗ lực từ phía người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin