Mô hình "Mỗi gia đình một bình chữa cháy" thôn An Bình, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng đã chứng minh được hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương.
Sau khi được tuyên truyền, anh Phùng Văn Quang đã quyết định mua ngay một bình chữa cháy cho gia đình |
Với vị trí địa lý thuận lợi và sự phát triển kinh tế - xã hội, thôn An Bình cũng đối mặt với nhiều thách thức về an ninh trật tự.“Lúc đó, những người làm nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương luôn trăn trở, làm thế nào để giữ vững tình hình an ninh trật tự địa bàn, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế ở địa phương? Và để giải quyết vấn đề này, chúng tôi xác định, phải xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, dựa vào sức mạnh của quần chúng để góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương, nhưng không chỉ mỗi lực lượng Công an xã, lực lượng an ninh trật tự cơ sở thôn An Bình mà xây dựng được phong trào. Công tác này phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, trong đó lực lượng Công an làm tham mưu nòng cốt cho Đảng ủy, chính quyền, đề ra nghị quyết, kế hoạch về xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” - ông Mai Đức Định - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn An Bình, chia sẻ.
Với nhận thức trên, chi bộ, Ban Nhân dân thôn An Bình luôn quan tâm đến công tác giữ gìn an ninh trật tự thông qua Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chỉ đạo các tổ chức nòng cốt chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự.
Mặt khác, thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới, UBND xã Liên Hiệp chỉ đạo lực lượng Công an xã tăng cường triển khai Phong trào “Mỗi gia đình tự trang bị ít nhất một bình chữa cháy”.
Mô hình được Công an xã triển khai, tập huấn các biện pháp PCCC lồng ghép tại các buổi họp dân, tiếp xúc cử tri tại các thôn nói chung và thôn An Bình nói riêng. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thiết bị PCCC, trang bị kỹ năng, kiến thức chữa cháy, chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại do hỏa hoạn gây ra và tầm quan trọng khi trang bị bình chữa cháy tại gia đình, hộ dân, sẽ tận dụng tối đa “thời điểm vàng” để chữa cháy nếu xảy ra hỏa hoạn; giảm nguy cơ cháy lan, cháy lớn...
Để bà con nắm, biết, nhận diện nguy cơ cháy, nổ tại gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và biết được những biện pháp PCCC, cán bộ Công an xã và Ban Nhân dân thôn đã đến từng thôn, từng cụm dân cư và từng hộ gia đình để chỉ dẫn, tuyên truyền cặn kẽ cho bà con về các nguy cơ xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố; cách sử dụng bình chữa cháy, các trang thiết bị, vật dụng để dập tắt đám cháy. Đồng thời, hướng dẫn cho bà con thực hành các thao tác chữa cháy, thoát nạn khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra trong thực tế.
“Sau khi được Công an xã phối hợp tuyên truyền về PCCC và cứu nạn cứu hộ, nhiều hộ gia đình đã nhận thức rõ các yếu tố đảm bảo an toàn PCCC có vai trò quan trọng, đồng thời gia đình đã tự giác bỏ kinh phí mua trang thiết bị, dụng cụ PCCC để xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra trong thực tế; chủ động ứng phó với các sự cố cháy nổ tại chỗ một cách nhanh chóng. Từ chỗ xem công tác PCCC là nhiệm vụ của riêng lực lượng chức năng thì người dân đã dần thay đổi nhận thức, xác định đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người, mọi nhà để đảm bảo an toàn PCCC trong khu dân cư”, anh Lê Thành Đức - Tổ trưởng tổ 3, thành viên Tổ bảo vệ an ninh cơ sở thôn An Bình cho biết.
Anh Phùng Văn Quang, một hộ dân tại thôn, chia sẻ: "Trước đây, tôi cũng không nghĩ nhiều về việc trang bị bình chữa cháy. Nhưng sau khi tham gia các buổi tuyên truyền, tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc này. Giờ đây, gia đình tôi luôn sẵn sàng một bình chữa cháy để phòng trường hợp khẩn cấp".
Nhờ sự hưởng ứng tích cực của người dân, đến nay, hơn 70% hộ gia đình tại thôn An Bình đã trang bị bình chữa cháy. Điều này đã góp phần giảm thiểu đáng kể nguy cơ cháy nổ, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân.
Ông Mai Đức Định cho biết: "Mô hình 'Mỗi gia đình một bình chữa cháy" đã mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ giúp nâng cao ý thức của người dân về PCCC mà còn tạo ra một cộng đồng an toàn, đoàn kết. Chúng tôi đang phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ đạt chỉ tiêu mỗi hộ gia đình tự trang bị một bình chữa cháy”.
Có thể nói, Mô hình "Mỗi gia đình một bình chữa cháy" tại thôn An Bình là một minh chứng sinh động cho thấy sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác PCCC. Đây không chỉ là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ tài sản, mà còn là một hành động thiết thực để xây dựng một xã hội an toàn, văn minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin