Thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Thống kê chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh trên cả nước tăng 21,64% so với thời gian trước liền kề. Con số thống kê cho thấy, số vụ tai nạn liên quan đến học sinh tăng đáng kể, đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.
CSGT lập biên bản xử lý lỗi vi phạm giao thông của học sinh và mời phụ huynh đến để nhắc nhở |
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Công an tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, từ ngày 1-31/10/2024, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Lâm Đồng đã triển khai ra quân Tháng cao điểm bảo đảm an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh.
Trong đợt ra quân lần này, lực lượng CSGT Lâm đồng đã bố trí 65 ca tuần tra, kiểm soát với 223 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm tại các tuyến đường, trước cổng các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Và chỉ trong buổi sáng ra quân đầu tiên, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 671 phương tiện do học sinh điều khiển và đã phát hiện, xử lý 115 trường hợp vi phạm, tạm giữ 71 xe mô tô.
Thống kê từ ngày 1-9/10, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã thực hiện 591 ca tuần tra kiểm soát. Theo đó đã lập 475 biên bản vi phạm trong lứa tuổi học sinh, tạm giữ 341 xe mô tô; trong đó, các lỗi chủ yếu là chưa đủ tuổi 325 trường hợp, giao xe 113 trường hợp, nồng độ cồn 2 trường hợp, tốc độ 4 trường hợp, không chấp hành 7 trường hợp và không đội mũ bảo hiểm 26 trường hợp...
Thượng tá Nguyễn Văn Tiếp - Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Đợt ra quân này, lực lượng CSGT không chỉ tập trung vào việc xử lý vi phạm mà còn chú trọng phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền sâu, rộng cho các em trong lứa tuổi học sinh các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao thông. Đặc biệt, cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục kết hợp với việc kiểm tra, xử lý vi phạm, phối hợp áp dụng các chế tài xử lý linh hoạt, CSGT còn đặc biệt chú trọng đến việc để làm sao đảm bảo các quy định của pháp luật về quyền trẻ em. Quá trình xử lý đa phần là mềm dẻo, nhưng nghiêm khắc, không gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và làm ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi học sinh; trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác phải ghi nhận đầy đủ, rõ ràng để làm căn cứ xử lý theo quy định; đồng thời, phát hiện những tồn tại, bất cập và kiến nghị các biện pháp trong công tác quản lý, giáo dục.
Lãnh đạo Phòng CSGT cũng chỉ đạo quá trình thực hiện chuyên đề này phải chủ động làm tốt công tác điều tra cơ bản, phối hợp nắm chắc trên địa bàn có các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, thôn, xóm, tổ dân phố để phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền và xử lý sao đạt hiệu quả cao nhất.
Thực tế suốt thời gian triển khai, các cán bộ CSGT cũng cho biết, trong những buổi đầu ra quân, có nhiều trường hợp các CSGT vì thương các cháu sẽ bị trễ giờ học nếu chờ xử lý vi phạm, một số cháu khi bị dừng xe có dấu hiệu lo lắng, bị sốc tâm lý... nên các chiến sĩ CSGT đã linh động, chưa bắt xe, xử lý vội mà chờ đến buổi trưa các cháu đi học về mới đợi ở cổng để xử lý. Quá trình xử lý, cũng mời phụ huynh học sinh đến để trao đổi, chứng kiến.
Sau 10 ngày duy trì thường xuyên, liên tục, bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của phụ huynh và các em học sinh. Tình trạng học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe máy đi học đã giảm đáng kể. Phụ huynh cũng ý thức, không giao xe cho con đi học khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái. Đặc biệt, trong 2 ngày gần nhất đây đã không ghi nhận trường hợp học sinh nào bị xử lý hành chính.
Có thể thấy rằng, đợt cao điểm kết hợp hài hòa giữa xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền đã phần nào giúp học sinh và phụ huynh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chấp hành Luật Giao thông, góp phần vào việc xây dựng môi trường giao thông an toàn. Đặc biệt, đợt cao điểm lần này góp phần vào việc xử lý khá tốt nhận thức của cả phụ huynh, lẫn nhà trường và phụ huynh về vấn đề an toàn giao thông trong học đường, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh hơn.
“Chúng tôi mong muốn sau đợt cao điểm ra quân đồng bộ trên toàn tỉnh lần này sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của học sinh và phụ huynh; từ đó xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các em học sinh và phụ huynh" - Thượng tá Nguyễn Văn Tiếp nhấn mạnh.
Đợt ra quân Tháng cao điểm bảo đảm an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc giảm mạnh vi phạm giao thông trong học đường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Để xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh cho học sinh một cách bên vững sau đợt cao điểm này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngành chức năng và nhà trường, phụ huynh trong việc tự giác chấp hành Luật Giao thông cũng như văn hóa giao thông của học sinh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin