Ngành Y tế qua 2 năm chống gian lận thương mại và hàng giả

AN NHIÊN 06:07, 08/11/2024

Kết quả qua 2 năm thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, Thanh tra Sở Y tế Lâm Đồng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng đã phát hiện 181 vụ gian lận thương mại với 181 đối tượng vi phạm, xử phạt gần 2 tỷ đồng. 

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại Đức Trọng
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại Đức Trọng

Ngành Y tế Lâm Đồng được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm. Các mặt hàng này có tác động trực tiếp đến sức khoẻ con người nên được chính quyền và toàn xã hội quan tâm, việc tuyên truyền giáo dục, phối hợp có nhiều thuận lợi. Sở Y tế Lâm Đồng là đơn vị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với tất cả các cơ sở kinh doanh dược phẩm, thực phẩm trên địa bàn. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh dược phẩm, thực phẩm có sự quản lý tốt của các cơ quan chức năng, tình hình kinh doanh dược phẩm tương đối ổn định, các cơ sở kinh doanh ngoài việc triển khai thực hiện các quy chế chuyên môn của ngành còn thực hiện đầy đủ các quy định khác của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hoá. Riêng đối với lĩnh vực thực phẩm hiện nay, công tác quản lý chất lượng thuộc trách nhiệm chung các ngành Y tế, Công thương, Khoa học - Công nghệ, Nông nghiệp phát triển nông thôn… Trong đó, UBND tỉnh giao cho ngành Y tế chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm vào các dịp cao điểm trong năm.

Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng đã được lãnh đạo ngành Y tế Lâm Đồng quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ người tiêu dùng, từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh. Ngoài việc tập trung thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng theo nhiệm vụ được phân công, ngành Y tế thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng trong những đợt cao điểm kiểm tra chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, ngành Y tế còn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho Nhân dân, cung cấp thông tin để mọi người dân có thể nhận biết hoặc phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng để chủ động phòng tránh, xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trong 2 năm qua, Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt các kế hoạch thanh tra, kiểm tra chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm. Về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đã tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm bao gói sẵn với 1.804 hồ sơ tự công bố sản phẩm của các cơ sở sản xuất thực phẩm và đã đăng tải thông tin trên website của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. Sở Y tế đã giao trách nhiệm cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp Thanh tra Sở Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra, đồng thời hướng dẫn cho các Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, thành phố về nội dung, yêu cầu kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị tham mưu để UBND các cấp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp kiểm tra các mặt hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Công tác giám sát mối nguy đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP): Trong năm 2023 triển khai kế hoạch giám sát mối nguy về ATTP, đã lấy 178 mẫu thực phẩm (gồm nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nhóm sản phẩm hỗ trợ giảm cân, sinh lý, xương khớp, đái tháo đường, huyết áp...; phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; thực phẩm dinh dưỡng y học; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ; thực phẩm bổ sung...). Kết quả phát hiện 1 mẫu có chỉ tiêu không phù hợp thông tin trên nhãn, 6 mẫu nước uống đóng chai không đạt chỉ tiêu vi sinh. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở có kết quả không đạt.

Về các mẫu giám sát chủ động đối với một số sản phẩm thực phẩm có mối nguy ô nhiễm cao tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố (bún, phở, bánh canh, giò chả, nem chua, xúc xích, thịt nướng, rượu, dầu chiên...), lấy 149 mẫu để thực hiện test nhanh hàn the, độ ôi khét dầu mỡ, phẩm màu, methanol, kết quả 149/149 mẫu đạt.

Trong năm 2024, triển khai kế hoạch giám sát mối nguy về ATTP đã lấy 219 mẫu thực phẩm, kết quả có 198/219 mẫu đạt, 21 mẫu nước uống đóng chai (bình) không đạt chỉ tiêu vi sinh. Về các mẫu giám sát chủ động đối với một số sản phẩm thực phẩm có mối nguy ô nhiễm cao, đã lấy 130 mẫu kết quả 130/130 mẫu đạt (thực hiện test nhanh hàn the, độ ôi khét dầu mỡ, phẩm màu, methanol).

Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm lĩnh vực ATTP đã tổ chức 57 đoàn làm việc tại 683 cơ sở, qua đó phát hiện 39 cơ sở vi phạm, phạt tiền hơn 340 triệu đồng. Hành vi vi phạm bị xử lý bao gồm: Sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc tiêu chuẩn đã công bố; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP; lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…

Sở Y tế giao trách nhiệm cho Trung tâm Kiểm nghiệm Dược - Mỹ phẩm tỉnh Lâm Đồng tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (tại các điểm kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, sản xuất thuốc và các cơ sở điều trị). Kết quả thực hiện lấy kiểm tra 1.661 mẫu của 335 cơ sở, phát hiện có 3 mẫu tại 3 cơ sở không đạt; không phát hiện thuốc giả qua các mẫu kiểm nghiệm.   

Công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp thanh tra, kiểm tra đã thực hiện 10 cuộc kiểm tra theo kế hoạch tại 355 cơ sở, phát hiện 141 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 1,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm bị xử lý như: Cơ sở không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở đã sử dụng thuốc, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc, hình dạng trên cơ thể người; niêm yết giá chưa đầy đủ; để lẫn sản phẩm không phải thuốc cùng với thuốc…

Công tác thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa được chú trọng triển khai thực hiện và lồng ghép trong các đợt thanh tra, kiểm tra giúp người sản xuất và kinh doanh thực phẩm nâng cao nhận thức, hiểu và làm đúng quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn thì thông qua đợt kiểm tra nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của Nhà nước về việc kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các chủ cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn.