Hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính

CHÍNH THÀNH 06:25, 25/12/2024

Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan trong thi hành pháp luật về XLVPHC.

Trong các loại hành vi VPHC, phổ biến vi phạm là lĩnh vực giao thông
Trong các loại hành vi VPHC, phổ biến vi phạm là lĩnh vực giao thông

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 901 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2024. Qua đó, xác định trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện theo lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương mình, trong đó một số sở, ngành và địa phương đã ban hành kế hoạch sớm.

Sở Tư pháp được giao là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức và nội dung phong phú trên địa bàn tỉnh, trong đó có lồng ghép, phổ biến nội dung pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Theo báo cáo trong năm 2024 các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã thực hiện 3.586 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật, cấp phát 943.647 tài liệu các loại, tổ chức 81 cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, công tác hướng dẫn, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn được triển khai thông qua các hình thức khác nhau.

Thống kê tổng số quyết định xử phạt hành chính năm 2024 là 4.859, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 423 vụ (tăng 9,5%); số quyết định đã thi hành là 4.551, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 634 (tăng 16,2%); số quyết định chưa thi hành xong 308 quyết định; tổng số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trên 47,4 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 11,8 tỷ đồng (tăng 33,5%).

Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật XLVPHC năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC năm 2020; Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC và các nghị định quy định xử phạt VPHC theo từng lĩnh vực liên quan đến các ngành. Đồng thời, hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung theo dõi thi hành pháp luật về XLVPHC.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, năm 2024 việc tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục trong công tác XLVPHC trên địa bàn được các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, công tác thi hành pháp luật nói chung, công tác thi hành pháp luật về XLVPHC nói riêng trên địa bàn có những chuyển biến tích cực.

Các vụ việc VPHC và phải XLVPHC chủ yếu thuộc các lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng, đầu tư xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm... Trong đó, các loại hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực giao thông là 2.198 vụ; số tiền phạt trên 7,6 tỷ đồng; đất đai 1.193 vụ, số tiền phạt trên 25,1 tỷ đồng; xây dựng 220 vụ, số tiền phạt trên 7,3 tỷ đồng; lâm nghiệp 67 vụ, số tiền phạt trên 801 triệu đồng; y tế - vệ sinh an toàn thực phẩm 321 vụ, số tiền phạt trên 2,3 tỷ đồng,…

Theo Sở Tư pháp Lâm Đồng, mặc dù công tác quản lý nhà nước về XLVPHC đạt một số kết quả tích cực trong năm nhưng trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính có phạm vi điều chỉnh rộng, nhạy cảm và phức tạp, bên cạnh đó các quy định của pháp luật nhiều lúc chưa điều chỉnh hết được các hành vi vi phạm và tình huống xử lý trong thực tiễn nên các đơn vị thực thi còn gặp nhiều khó khăn. Các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thường xuyên có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nên việc quy định các hành vi vi phạm và áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong thực tế còn lúng túng, chưa hiệu quả.

Ngoài ra, biên chế bố trí cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính còn hạn chế, nên đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các mặt công tác theo quy định, nhất là công tác bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra, trao đổi hướng dẫn nghiệp vụ trong công tác xử lý vi phạm hành chính... Về mặt chủ quan, một bộ phận cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động không tìm hiểu hoặc không nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định mới dẫn đến vô ý thực hiện hành vi vi phạm hành chính; có trường hợp còn chưa nắm rõ các quy định về xử phạt VPHC, chỉ khi cơ quan chức năng phát hiện và xử lý mới biết mình vi phạm. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức còn nhiều hạn chế dẫn đến vi phạm pháp luật.