Thành quả 5 năm phòng chống tham nhũng của địa phương mới đưa ra ánh sáng một vài vụ việc nhỏ lẻ chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng tại Lâm Đồng.
Nhận định của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Lâm Đồng: các vụ việc tham nhũng phần lớn được phát hiện thông qua công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng hoặc qua giải quyết đơn thư tố cáo tham nhũng, ít được phát hiện từ việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là mỗi cán bộ, đảng viên phải là hạt nhân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng ở địa phương.
Thành quả 5 năm phòng chống tham nhũng của địa phương mới đưa ra ánh sáng một vài vụ việc nhỏ lẻ chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng tại Lâm Đồng. Tổng số vụ vi phạm tham nhũng đã xử lý hành chính qua kiểm tra, thanh tra, giải quyết đơn thư tố cáo là 79 vụ với 128 đối tượng. Trong đó, từ việc giải quyết 268 đơn tố cáo, tin báo tham nhũng, chủ yếu là đơn nặc danh, mạo danh, qua thẩm tra xác minh đã kết luận xử lý 13 vụ việc với 24 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ các cơ quan, đơn vị phát hiện xử lý hành chính 4 vụ việc với 5 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. Qua thanh tra, kiểm tra các nội dung chấp hành điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, phẩm chất đạo đức lối sống, thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trọng điểm như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thuế, tài nguyên khoáng sản, quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách phát hiện nhiều vụ việc và tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng quy vào “tội tham nhũng” thì không nhiều. Cụ thể: các cấp ủy, tổ chức đảng kiểm tra 1.797 lượt tổ chức đảng, kiểm tra gần 8.000 lượt đảng viên, phát hiện 118 tổ chức đảng có vi phạm, thi hành kỷ luật đối với 2 tổ chức, 241 đảng viên có vi phạm, trong đó 11 đảng viên bị thi hành kỷ luật. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 108 tổ chức đảng, 604 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, kết luận 101 tổ chức đảng và 538 đảng viên vi phạm, thi hành kỷ luật 20 tổ chức đảng, 347 đảng viên. Thông qua công tác kiểm tra đã phát hiện, xử lý kỷ luật 8 trường hợp vi phạm có dấu hiệu tham nhũng. Ngành thanh tra tiến hành 523 cuộc thanh tra, 5.461 lượt kiểm tra chuyên ngành, phát hiện giá trị sai phạm hơn 65 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 35 tỷ đồng, hơn 200 ha đất, đưa ra hơn 600 kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, kiểm điểm rút kinh nghiệm hơn 300 tổ chức, cá nhân sai phạm. Qua thanh tra, đã phát hiện 29 vụ việc với 48 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng. Thanh tra về trách nhiệm thủ trưởng 14 cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng, đã có 7 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, kiểm điểm rút kinh nghiệm 3 trường hợp.
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế yếu kém, đó là: Tính tiên phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ đảng viên, người đứng đầu chưa được phát huy tốt; công tác tự kiểm tra, thanh tra nội bộ ở nhiều cơ quan đơn vị còn mang tính hình thức, việc đấu tranh phê bình trong nội bộ còn hạn chế, có biểu hiện né tránh, ngại đụng chạm, thiếu quyết tâm. Dù hầu hết các vụ việc tham nhũng được phát hiện qua điều tra, thanh tra, kiểm tra nhưng hoạt động phòng chống tham nhũng của các ngành thanh tra, kiểm tra chưa mạnh. Một số vụ việc biểu hiện tham nhũng đã rõ nhưng qua thanh tra không tập trung làm rõ, không kết luận và kiến nghị xử lý theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng. Một số nội dung vi phạm của đảng viên liên quan đến tham nhũng nhưng chưa mạnh dạn kết luận tham nhũng mà chỉ dừng lại ở việc quy kết trách nhiệm, làm trái hoặc vi phạm nguyên tắc…Số vụ việc tham nhũng phát hiện qua kiểm tra, giám sát, nhất là qua kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở việc phòng là chính.
Theo lãnh đạo Thanh tra tỉnh cho biết, qua thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng tại các đơn vị còn một số tồn tại như: Người đứng đầu chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng như chậm xây dựng kế hoạch, chưa kịp thời kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; chưa xây dựng và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức viên chức theo quy định. Tại một số địa phương, ngành việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng chưa đúng mức. Nhận thức của một số cán bộ, công nhân viên chức chưa đúng mức về công tác phòng chống tham nhũng, còn cho rằng công tác này là của các cơ quan chức năng.
Diệu Hiền