Di Linh: Xuất hiện các điểm đào, đãi vàng trái phép

04:12, 29/12/2010

Thời gian gần đây, dọc con suối tại tiểu khu 711, 712 và tại khu vực ngập nước lòng hồ xã Hòa Bắc do Ban Quản lý rừng Hòa Bắc – Hòa Nam huyện Di Linh quản lý đã xuất hiện các điểm đào, đãi vàng trái phép. Diện tích bị khai thác trái phép trên 12.000 m2; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp trên 7.300 m2, diện tích đất lòng hồ trên 4.600m2.

Thời gian gần đây, dọc con suối tại tiểu khu 711, 712 và tại khu vực ngập nước lòng hồ xã Hòa Bắc do Ban Quản lý rừng Hòa Bắc – Hòa Nam huyện Di Linh quản lý đã xuất hiện các điểm đào, đãi vàng trái phép. Diện tích bị khai thác trái phép trên 12.000 m2; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp trên 7.300 m2, diện tích đất lòng hồ trên 4.600m2.

Theo Ban quản lý rừng Hòa Bắc – Hòa Nam, hoạt động đào đãi vàng trái phép tại các khu vực nêu trên đã xảy ra trong suốt 5 tháng qua. Ngoài một số đối tượng từ các huyện khách trong tỉnh đến thì số người tham gia đào đãi vàng chủ yếu là người dân tại các xã Hòa Bắc, Hòa Trung, Hòa Nam. Các đối tượng khai thác vàng vừa bằng dụng cụ thủ công như xẻng, xô, chậu, máng đãi tự chế cho đến phương tiện hiện đại như máy nổ, máy bơm, xe xúc.

Qua kiểm tra ban đầu của Công an huyện Di Linh, thời gian qua, tại 2 khu vực tiểu khu 711, 712 và vùng ngập nước lòng hồ xã Hòa Bắc do Ban Quản lý rừng Hòa Bắc, Hòa Nam huyện Di Linh quản lý có nhiều nhóm với hàng chục đối tượng đào đãi vàng trái phép. Các đối tượng đào xuống với hàng chục đối tượng đào đãi vàng trái phép. Các đối tượng đào xuống lòng suối lấy cát, sỏi để đưa lên bờ đãi vàng vì thế những hố đất lớn, nhỏ xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực này.

Ngay cả hai bên bờ suối, cạnh rừng cũng bị các đối tượng khoét hầm ếch vào sâu để tìm và đào đãi vàng. Việc đào đãi vàng trái phép này không những gây xói mòn đất, làm thay đổi dòng chảy của suối, gây ô nhiễm nguồn nước, thiệt hại về cây rừng trên diện tích đất bị xâm hại mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Trần Đình Nga – Trưởng Ban QLR Hòa Bắc – Hòa Nam cho biết: Thời gian qua, đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương cùng Công an huyện cũng đã tiến hành kiểm tra nhưng chưa có sự phối hợp đồng bộ và biện pháp xử lý không đủ mạnh nên tình trạng đào đãi vàng trái phép ở đây vẫn diễn biến phức tạp.

Trước tình trạng trên, sau khi nắm bắt tình hình, ngoài việc chỉ đạo chính quyền, đoàn thể quần chúng và ngành chức năng tiến hành tuyên truyền đến người dân tự nguyện không đào, đãi vàng trái pháp luật, mới đây, UBND huyện Di Linh đã thành lập đoàn liên ngành để mở đợt truy quét những đối tượng đào đãi vàng trái phép tại tiểu khu 711, 712 do Ban Quản lý rừng Hòa Bắc, Hòa Nam huyện quản lý, song không hiểu vì sao các đối tượng biết được thông tin, kịp thời tẩu thoát.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 lán trại cư trú của các nậu vàng; 1 xe máy múc vô chủ, 3 máy nổ hiệu Trung Quốc và các thiết bị khác phục vụ cho khai thác vàng. Do địa hình đồi núi hiểm trở và cũng không có điều kiện đưa phương tiện, máy móc tịch thu, nên lực lượng truy quét quyết định tiêu hủy tại chỗ 3 máy nổ; 500m ống dây và những dụng cụ thủ công dùng để đào đãi vàng khác; đồng thời trục xuất 2 đối tượng làm thuê trái phép tại đây ra khỏi địa bàn.

Trước tình hình giá vàng đang ở mức cao, thời gian gần đây, tình trạng đào, đãi vàng trái phép xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ông Lê Viết Phú – Phó chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: Đề ngăn chặn không để trở thành điểm nóng về đào đãi vàng trái phép trái pháp luật, UBND huyện chỉ đạo, thời gian tới, lực lượng Công an huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng tiếp tục tổ chức tuần tra truy quét, tại khu vực vùng bị ngập nước lòng hồ xã Hòa Bắc và khu vực xã Đinh Trang Thượng (giáp ranh huyện Bảo Lâm); tuyệt đối không để tái diễn nạn khai thác vàng tồn tại trên địa bàn.

Văn Tường