Lừa “bán sống” hàng chục lao động

02:12, 02/12/2010

Nhiều nông dân của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được “cò” lao động vẽ nên viễn cảnh hết sức tươi đẹp khi làm việc tại một trong những “thủ phủ cà phê” – Lâm Hà (Lâm Đồng), nhưng thực tế nơi họ đến chỉ là một “thiên đường” ảo...

Nhiều nông dân của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được “cò” lao động vẽ nên viễn cảnh hết sức tươi đẹp khi làm việc tại một trong những “thủ phủ cà phê” – Lâm Hà (Lâm Đồng), nhưng thực tế nơi họ đến chỉ là một “thiên đường” ảo...
Hai cha con anh Nguyễn Hữu Sơn và Nguyễn Hữu Sang cho biết sự thật vụ việc vào chiều ngày 30/11.
Hai cha con anh Nguyễn Hữu Sơn và Nguyễn Hữu Sang cho biết sự thật vụ việc vào chiều ngày 30/11.
Không chỉ vậy, nhiều người vừa đặt chân đến đất Lâm Đồng đã trở thành con nợ của những người sử dụng lao động và buộc phải nhờ người nhà vay mượn tiền “chuộc” thân.

Từ lời tố cáo lao động bị lừa “bán” đứng

Ngày 25/11, Công an huyện Tây Hòa (Phú Yên) nhận được đơn của ông Trần Văn Tiên (47 tuổi, ngụ ở Tây Hòa) nhờ cơ quan chức năng “giải cứu” con trai cùng một số người dân địa phương đi làm thuê tại huyện Lâm Hà đang bị những người môi giới lao động tại địa phương này “bán” đứng, rồi bị nhốt, bị bỏ đói và đánh đập… Mặc dù việc trình báo của ông Tiên chưa rõ ràng, nhưng Công an huyện Tây Hòa vẫn liên lạc ngay với Công an huyện Lâm Hà để nhờ xác minh, điều tra làm rõ vụ việc.

Trong khi công an huyện Lâm Hà đang điều tra xác minh vụ việc, một số lao động từ Lâm Hà trở về Phú Yên cho biết, có tất cả 34 lao động ở hai huyện Đông Hòa và Tây Hòa được hai người đàn ông (tên Hùng và Cư - Pv) hứa hẹn đi thu hái cà phê tại Lâm Hà với giá rất cao. Nhưng khi đến nơi, họ liền bị đưa vào nhốt trong một ngôi nhà có treo tấm biển đề tên Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Minh Nghĩa – Trung tâm giới thiệu việc làm, nhà đất và dịch vụ cầm đồ tại xã Hoài Đức (Lâm Hà). Khi hai “cò” lao động đưa những người này đến cho Công ty Minh Nghĩa lập tức tắt điện thoại và lặn mất tăm. Cũng ngay trong đêm (khoảng 1 giờ sáng ngày 25/11), toàn bộ 34 lao động này được Công ty Minh Nghĩa ép ký hợp đồng lao động và giao cho những người chủ cần lao động, và họ lại bị những người sử dụng lao động ép làm việc, ai có biểu hiện bỏ trốn thì bị đánh đập… Trong số này có anh Trần Văn Quân may mắn thoát được ra ngoài và gọi điện về cho cha là ông Trần Văn Tiên báo lại tình hình và đề nghị tìm cách cứu những người đang bị giữ lại. Thông tin trên đã khiến dư luận ở Phú Yên hết sức bức xúc. 

Ngay trong sáng 25/11, ông Tiên đã đến Công an huyện Tây Hòa báo cáo vụ việc và chiều tối cùng ngày đã thuê xe cùng năm người khác là thân nhân của các lao động lên đường đi Lâm Hà để tìm cách cứu người. Theo ông Tiên, khoảng 11 giờ trưa 26/11, ông có mặt tại cơ sở Thảo Quyền – nơi con trai ông cùng với 7 người khác đang được cơ sở này thuê làm việc. Vợ chồng người chủ này nói rằng đã phải ứng trước cho nhóm lao động 8 người, gồm cả ba người đã bỏ trốn (Nguyễn Văn Thơm, Nguyễn Văn Công và Nguyễn Thành Nhơn - Pv) với số tiền là 9,2 triệu đồng để trả phí dịch vụ tuyển lao động cho Công ty Minh Nghĩa, do vậy muốn lấy người về thì phải bồi hoàn toàn bộ số tiền trên. Sau khi trả đủ tiền, trưa 26/11, năm người còn lại trong nhóm mới được cho về nhà.
 
Trong khi đó, dư luận tại tỉnh Khánh hòa cũng đang rất bức xúc vì có 34 lao động của tỉnh này bị “cò” lao động lừa và giao cho công ty Minh Nghĩa phân phối lại cho người sử dụng lao động. Trong số này có trên 15 người phải trả tiền “chuộc” mới được về, số còn lại thì vẫn đang làm thê đâu đó tại Lâm Hà.  

Chính quyền và người trong cuộc nói gì

Chiều 29/11, bà Nguyễn Thị Loan (55 tuổi, ngụ ở thôn Đức Thành, xã Hoài Đức), người trực tiếp có nhận hai lao động tại Trung tâm giới thiệu việc làm Minh Nghĩa (trụ sở tại thôn Đức Thành) vào tối 25/11, cho biết: “Tối hôm đó, đích thân tôi đến tuyển lao động tại Trung tâm giới thiệu việc làm Minh Nghĩa. Khi đến đó, tôi thấy có khoảng trên 40 người cần tuyển lao động đi xe máy, xe ô tô đã đợi sẵn. Sau đó có hai xe chở người lao động từ Phú Yên lên nhưng chỉ có 34 người nên không ít người đã thất vọng vì phải chờ cả đêm mà không tuyển được người làm. Vì gần nhà, nên tôi nhận được 2 người làm, sau này được biết là hai cha con, với mức lương thỏa thuận là 1,7 triệu đồng/người/tháng, công việc là thu hái cà phê trên rẫy”. Theo bà Loan, khi về đến nhà, bà nói với hai người cứ nghỉ ngơi, nếu thích thì làm, không thích thì cũng đừng có bỏ trốn vì tôi đã phải trả tiền xe, tiền ăn và tiền dịch vụ cho cả hai người với giá gần 1,2 triệu đồng/người. Thế rồi sáng hôm sau, hai người nói là vì làm việc quá xa và mức lương chưa phù hợp, nên không làm nữa và đồng ý trả lại tiền để về. “Tôi đã đưa hai người này lên trả lại cho trung tâm Minh Nghĩa nên không biết hai người đó trả cho Minh Nghĩa, bao nhiêu tiền. Còn về thông tin đánh đập và ép người làm thì tôi không chứng kiến nên không biết được” – bà Loan nói.

Lần theo những người nhận công lao động vào đêm 25/11, chúng tôi tìm đến đại lý cà phê Thảo Quyền tại thôn Tân Trung, xã Tân Hà (Lâm Hà) và được bà Nguyễn Thị Quyền, chủ cơ sở này cho biết: “Tối đó, tôi có nhận 8 lao động ở Phú Yên tại trung tâm Minh Nghĩa. Tất cả đều có ký vào hợp đồng lao động và thỏa thuận làm việc thu hái cà phê với giá 1,7 triệu đồng/người/tháng, bao ăn ở. Khi đưa những người này về nhà, sáng 25/11, họ vẫn đi uống cà phê bình thường. Đến chiều, trước khi gia đình đưa vào rẫy cách nhà khoảng 4km để làm việc thì có một số người trong nhóm không đồng ý với mức lương trên và yêu cầu được đổi sang làm khoán. Tôi đưa ra giá thu hái là 50.000đ/bao 100kg, và nói nếu làm tốt số tiền tôi đã ứng trả cho đơn vị giới thiệu việc làm cho 8 người là 9,2 triệu đồng sẽ được gia đình cho luôn và còn cho thêm tiền vé xe để về nhà. Thế nhưng khi vào tới rẫy cà phê, tối đó có 3 người đã bỏ trốn, nên tôi yêu cầu trưởng nhóm nếu không đồng ý làm việc thì phải trả lại tiền thì mới được về. Những người còn lại đã đồng ý và nói người nhà đang thuê xe lên đón và sẽ trả tiền. Đến trưa hôm đó, người nhà lên đưa tiền và họ đã về hết cả rồi”.

Chiều 30/11, trực tiếp đối chất với Trung tâm giới thiệu việc làm Minh Nghĩa (theo giấy phép đầu tư do Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp vào ngày 25/10 có tên là công ty TNHH một thành viên Hiếu Nghĩa, vừa tách ra từ công ty Minh Nghĩa), và ông Phùng Khởi Nghĩa, giám đốc công ty này đã xác nhận có nhận giới thiệu việc làm cho 34 lao động của tỉnh Phú Yên cùng 34 lao động của tỉnh Khánh Hòa, đồng thời khẳng định: “Không có chuyện ép, nhốt hay đánh người lao động. Còn mức lương thì tùy thuộc vào công việc nhẹ hay nặng mà công ty đưa ra với các mức giá tương ứng từ 1,5 -3,5 triệu đồng/người/tháng, bao ăn ở để người lao động tự chọn, ai không đồng ý có quyền từ chối. Nếu làm tốt số tiền chi phí trước đó có thể sẽ được người sử dụng lao động cho luôn chứ không có chuyện trừ vào lương”.  

Cùng ngày, chúng tôi đã trực tiếp gặp được anh Nguyễn Hữu Sang (19 tuổi, ngụ tại huyện Tây Hòa) làm công cho nhà anh Nguyễn Văn Quân (xã Hòa Đức) trước khi được cha là ông Nguyễn Hữu Sơn (40 tuổi) lên đón về vì bà nội đau nặng. Trước sự chứng kiến của lực lượng công an huyện Lâm Hà cùng cha là ông Sơn, Sang cho biết: “Trước khi đi đã được những người tuyển dụng lao động nói mức lương là 3,7 triệu đồng/tháng, nhưng nay mới lên làm việc được có 3 ngày giờ trở về nên được ông Quân trả công 200.000đ. Còn chuyện ép hay đánh người vào tối hôm đó là không có”. Cha của Sang - ông Sơn, cũng cho biết, thường xuyên có liên lạc bằng điện thoại với con, nay do có người nhà bệnh nặng nên lên trả cho gia đình anh Quân 1 triệu đồng được cho là tiền chi phí mà anh Quân đã ứng trước trả cho đơn vị làm dịch vụ giới thiệu lao động để đón cháu về.

Trung tá Nguyễn Quốc Tuấn, Đội phó phụ trách cụm xã Lán Tranh (gồm 6 xã phía Nam của huyện Lâm Hà), người trực tiếp điều tra, xác minh vụ việc cũng cho biết: “Từ trước tới nay, chúng tôi chưa phát hiện có việc cưỡng ép lao động trên địa bàn. Riêng trường hợp số lao động của Phú Yên vừa qua phản ánh, chúng tôi đã và đang vào cuộc điều tra, nhưng chưa phát hiện có dấu hiệu nào cho thấy đơn vị giới thiệu lao động ép người”. Cũng theo ông Tuấn, có lẽ do những nhân viên tại các chi nhánh vệ tinh ở các tỉnh của công ty Hiếu Nghĩa khi tuyển lao động đã nói quá và “vẽ” ra để lấy cho được nhiều lao động. Trong khi người lao động thì thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, giá lương, việc làm, điều kiện ăn ở…, chưa kể gần đây do có nhiều lao động bỏ trốn, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động nên họ quản lý chặt hơn: Tối đến một số người sử dụng lao động họ sẽ khóa cửa nhốt những người lao động trong nhà và nhốt luôn cả chủ nhà để đảm bảo an ninh. Điều này làm cho người lao động thấy khó chịu và dẫn đến hiểu lầm.

Hệ lụy của việc “khát” lao động

Theo Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lâm Hà Phạm Văn Khả, hiện địa phương hiện có tới 39.000ha cà phê kinh doanh, hàng năm cứ vào dịp cuối năm đều rất “khát” lao động thời vụ thu hái cà phê. Nếu thu hoạch trễ thì cà phê sẽ rụng hết quả và còn ảnh hưởng cho mùa vụ sau, nên người trồng cà phê rất cần lao động, nhưng vài năm gần đây có một số người lao động bỏ trốn, thậm chí ăn cắp cà phê dẫn đến mất lòng tin của người sử dụng lao động. Trong khi đó, do lượng lao động đổ về quá đông nên địa phương cũng không thể quản lý nổi, vì có nhiều trường hợp không khai báo tạm trú, tạm vắng nên không ít lần xảy ra án và đối tượng gây án sau đó bỏ trốn khỏi địa phương gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Có cùng nhận định, ông Nguyễn Khánh Cường, Chủ tịch UBND xã Hoài Đức cho biết, cứ vào vụ thu hoạch cà phê, vì thu hoạch đồng loạt, nên người dân không biết chạy đâu ra công lao động. Có “cung” thì ắt có “cầu”, trong khi dịch vụ này đang thả nổi, dù biết sai trái và tốn kém nhưng người dân buộc lòng vẫn phải thông qua các dịch vụ “chui” này để lấy cho được lao động. Và để có được một người làm, người sử dụng lao động phải mất đứt cho đơn vị giới thiệu việc làm hết 500.000đ/lao động, số tiền này là quá cao, chưa kể còn phải trả luôn chi phí tiền tàu xe, tiền ăn uống đi lại và thậm chí là tiền người lao động ứng trước để lại cho gia đình, nên bình quân mất từ 1– 2 triều đồng/lao động tùy theo lao động đến từ các tỉnh gần, xa. Đã vậy, tuy không phải ai cũng xấu, nhưng thực tế đã có quá nhiều lao động bỏ trốn chỉ vì muốn “xù” số tiền do đơn vị tuyển dụng bỏ ra lo chi phí cho việc tuyển dụng, nhưng họ đâu biết người thiệt lại là những người sử dụng lao động, vì đơn vị giới thiệu lao động bao giờ cũng đã lấy trước tiền của người cần lao động. Không ít người, mới buổi sáng đang mừng khấp khởi vì vừa tuyển được 5 lao động, nhưng đến trưa thì họ trốn mất, nên thiệt hại cả chục triệu đồng.

Chính từ việc “khát” lao động thời vụ vào mùa thu hoạch cà phê, trong khi dịch vụ môi giới việc làm còn thả nổi; người lao động thì không có được những thông tin cần thiết về nhu cầu thị trường lao động, công lương, môi trường lao động và tay nghề thu hái cà phê… Dẫn đến hệ lụy là làm cho không ít lao động đã rơi vào bẫy của “cò” lao động, cũng như các công ty môi giới việc làm “chui” nên bị “tiền mất tật mang” như những nông dân chân chất của 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Còn người sử dụng lao động thì bị thiệt rất nhiều, nhưng trên hết là làm mất lòng tin vào người lao động làm người lao động và chủ sử dụng lao động rất dễ hiểu lầm nhau.

Chiều ngày 1/12, ông Lưu Đức Nam, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Lâm Hà cho biết: “Liên quan đến vụ việc, trong sáng cùng ngày, Công an huyện Lâm Hà phối hợp với Phòng LĐTB&XH và chính quyền xã Hoài Đức đã tiến hành kiểm tra hành chính đối với công ty TNHH một thành viên Hiếu Nghĩa. Qua kiểm tra, phát hiện công ty Hiếu Nghĩa mới chỉ được Sở Kế Hoạch – Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận kinh doanh vào ngày 25/11, nhưng chưa có giấy phép hoạt động trong lĩnh giới thiệu việc làm nên cơ quan chức năng đã lập biên bản đình chỉ hoạt động môi giới việc làm và buộc công ty này phải tháo dỡ toàn bộ bản hiệu để chờ xử lý.

Thụy Trang