Trong giai đoạn 2001 - 2010, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (cơ quan thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng - an ninh của tỉnh) đã chủ động làm tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ và thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng - an ninh.
Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác giáo dục QP-AN tại phường 11 (Đà Lạt). |
Theo chức năng nhiệm vụ, Hội đồng giáo dục quốc phòng - an ninh, cơ quan giúp việc, cán bộ chức năng tiến hành quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, nghị định, chế độ tiêu chuẩn, nội dung giáo dục quốc phòng - an ninh đến đội ngũ cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến xã và trong lực lượng vũ trang tỉnh. Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống ngành dọc của LLVT, hệ thống thiết chế giáo dục trong tỉnh, cán bộ, giáo viên, báo cáo viên để thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh. Tổ chức 3 lớp đào tạo cán bộ quân sự cơ sở, tập huấn quân sự, giáo dục chính trị, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng như cán bộ lãnh đạo các cấp, học sinh, sinh viên, chức sắc, chức việc các tôn giáo… theo đúng thành phần, đối tượng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, đảng viên, công chức, lực lượng Dân quân Tự vệ, dự bị động viên, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng ở địa phương
Để xây dựng và nâng cao chất lượng giáo viên đảm nhiệm nội dung giáo dục quốc phòng - an ninh trong các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp - dạy nghề, tỉnh đã mở 3 khóa đào tạo ngắn hạn giáo viên giáo dục quốc phòng – an ninh theo Quyết định số 46/2000/QĐ-BGD&ĐT. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức 6 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên. Cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn liên quan đến công tác giáo dục quốc phòng - an ninh do cấp trên tổ chức. Tổ chức các cuộc thi báo cáo viên giỏi, thi tuyên truyền viên, thi soạn giảng chính trị, thi chính trị viên giỏi, thi sáng tạo mô hình học cụ phục vụ giảng dạy... Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn và Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh của Tỉnh tuy còn thiếu về số lượng nhưng cơ bản xác định được trách nhiệm, nhiệt tình công tác, được đào tạo (ngắn và dài hạn) đạt chuẩn, bảo đảm yêu cầu giảng dạy bộ môn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh trên hệ thống truyền thông đại chúng thường xuyên thực hiện tốt. Hiện nay, Bộ CHQS Tỉnh có tờ thông tin LLVT 1 số/quý. Phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh tăng chuyên mục truyền hình Quốc phòng toàn dân từ 1 chuyên mục/tháng lên 2 chuyên mục/tháng; xây dựng chuyên mục Quốc phòng toàn dân trên sóng phát thanh 1 tuần/lần; và phối hợp với Báo Lâm Đồng xây dựng mỗi tháng 2 chuyên mục Quốc phòng toàn dân...
Trong những năm qua, Hội đồng giáo dục quốc phòng - an ninh các cấp đã thường xuyên tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện tại 12/12 huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đặc thù, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các trường trung học phổ thông trong Tỉnh. Kịp thời uốn nắn, điều chỉnh những thiếu sót trong quản lý và việc triển khai, thực hiện công tác giáo dục quốc phòng - an ninh tại cơ sở. Định kỳ tổ chức hội nghị các cấp nhằm đánh giá thực chất những kết quả đã đạt được, chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, đồng thời rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng, biện pháp tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng - an ninh giai đoạn tiếp theo.
Để đạt được những kết quả trong công tác giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh, trước hết phải xác định giáo dục quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Phát huy vai trò, năng lực làm tham mưu, tổ chức thực hiện của Hội đồng giáo dục quốc phòng - an ninh, Ban Thường trực, Ban Thư ký. Tăng cường quản lý Nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, trước hết là đội ngũ cán bộ và các thiết chế thực hiện công tác giáo dục quốc phòng - an ninh. Gắn giáo dục quốc phòng - an ninh toàn dân với các phong trào, cuộc vận động khác ở địa bàn khu dân cư. Bảo đảm nguồn kinh phí cần thiết cho công tác giáo dục quốc phòng - an ninh. Làm tốt chức năng tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo chỉ đạo và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với công tác giáo dục quốc phòng - an ninh. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh là trung tâm tham mưu cho Hội đồng, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh; chủ động, kịp thời tham mưu, ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, kế hoạch công tác, báo cáo sơ kết, tổng kết đầy đủ, kịp thời, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ từng năm và tình hình thực tế ở từng địa phương, cơ sở.