Suối Đạ K’Nàng quặn thắt vì “vàng tặc”

02:12, 14/12/2010

Tình trạng đào đãi vàng trái phép gây ô nhiễm nghiêm trọng cho suối Đạ K’Nàng đã xảy ra trong nhiều năm. Dù rằng chính quyền địa phương không ít lần lập đoàn kiểm tra truy quét và cương quyết giải tỏa nhưng đến nay vẫn đành “bó tay” với “vàng tặc”...

Tình trạng đào đãi vàng trái phép gây ô nhiễm nghiêm trọng cho suối Đạ K’Nàng đã xảy ra trong nhiều năm. Dù rằng chính quyền địa phương không ít lần lập đoàn kiểm tra truy quét và cương quyết giải tỏa nhưng đến nay vẫn đành “bó tay” với “vàng tặc”...

Trong khi đó, nhiều đoạn của con suối Đạ K’Nàng giờ đã bị “vàng tặc” nắn dòng, đào bới, cày xới và hình thành nên nhiều “khai trường vàng” trái phép như bãi vàng Tây Sơn, Đầm Voi, TK212, K899, Đạ Mun... làm con suối vốn dĩ trong xanh ngày nào trở nên đục ngầu, quặn thắt.
 
Các đối tượng ngang nhiên khai thác vàng trái phép tại thôn Đạ Mun.
Các đối tượng ngang nhiên khai thác vàng trái phép tại thôn Đạ Mun.

Đưa xe cơ giới vào rừng đào vàng

Một ngày trung tuần của tháng 12/2010, chúng tôi tiếp cận 2 trong số những bãi vàng nằm ở khu vực hạ lưu của suối Đạ K’Nàng - bãi vàng ở khu vực TK235 và 237 (thuộc khu vực Thác Nếp, thôn Đạ Mun, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông). Đây là 2 trong số những bãi vàng được cho là “khiêm tốn” trong số hàng chục bãi vàng tự phát đang hoạt động trái phép trên địa bàn của huyện mới Đam Rông, chỉ cách UBND xã Đạ K’Nàng khoảng 500m. Tại đây, nhiều diện tích đất phù sa ven con suối này đã bị những người đào đãi khoáng sản trái phép xới tung để tìm vàng. Ngay giữa trưa, nhưng trên “công trường” có 3 chiếc xe múc vẫn đang hoạt động đào múc hết công suất, cạnh đó là nhiều chiếc máy bơm đang hút quặng sa khoáng đưa vào máy sàng lọc, quanh những hầm vàng là hệ thống ống hút chằng chịt, chưa kể còn có nhiều láng trại được xây dựng khá kiên cố cho thấy những người khai thác vàng ở đây hoạt động rất chuyên nghiệp, và dài ngày.

Chị Th. (sống ở thôn Đạ Mun nhiều năm), cho biết: “Trước đây, người dân địa phương chỉ đào đãi vàng theo phương pháp thủ công, nhưng khoảng 4 năm nay, một số “đầu nậu” đưa xe múc và hệ thống sàng lọc hiện đại vào khai thác cả ngày lẫn đêm...”. Một số người dân địa phương còn tiết lộ, bãi vàng phía trên (TK235) là của mẹ con bà Nhường, còn bãi phía dưới (TK237) là của ông “Tài heo” (ông Tài trước làm nghề mổ giết heo - Pv). Cũng theo người dân địa phương, gia đình bà Nhường lúc đầu chỉ thuê xe múc để làm vàng; trúng vàng, bà Nhường đã “tậu” tới 4 xe múc để tự khai thác vàng tại nhiều điểm khác nhau và giờ trở nên người giàu có nhất ở vùng này. Khi hỏi sao họ ngang nhiên đào đãi vàng trái phép như vậy mà chính quyền địa phương không nói gì, một số người cho biết, nhiều lần công an truy quét, đẩy đuổi và thậm chí đặt mìn cho nổ luôn máy móc nhưng rồi vẫn đâu vào đấy cả.

Trở lại UBND xã Đạ K’Nàng tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được Bí thư Đảng ủy xã Đạ K’ Nàng Kon Sơ K’Lim xác nhận những phản ánh của người dân là chính xác. Đảng ủy xã đã nhiều lần chỉ đạo cho chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương phải giải quyết dứt điểm tình trạng đào đãi khoáng sản trái phép trên địa bàn, nhưng không hiểu sao cứ mỗi khi ra quân truy quét là “bị lộ”, nên khi đến được hiện trường thì không thấy ai, nhưng vừa quay về là họ hoạt động trở lại. Ngay như ở bãi vàng K899 (trước mặt và cách trụ sở UBND xã Đạ K’ Nàng khoảng hơn 1km), bà Kon Sơ K’Lim vừa nói vừa đứng dậy đi lại bên cửa sổ phòng làm việc chỉ cho chúng tôi chiếc xe múc, cùng một số máy bơm đang hoạt động đào đãi khoáng sản trái phép, và cho biết: “Thấy như vậy nhưng khi ngành chức năng đến nơi thì không còn một ai cả, xe múc thì làm việc khác như đào hồ chứa nước chứ không phải đào vàng, nhưng khi quay lưng là họ lại làm.”.

Dọa đốt nhà, yêu cầu trưởng công an nghỉ việc

Ông Hoàng Đông Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’ Nàng, cho biết: “Ngày 3/12, Đoàn liên ngành của huyện (gồm công an, quân đội, kiểm lâm địa phương, Phòng TN&MT) phối hợp với chính quyền xã đã tổ chức đợt truy quét tại các bãi vàng trên. Thế nhưng, khi đến nơi thì không thấy xe múc, không thấy người nào khai thác, đoàn buộc phải phá hủy 2 máy nổ dùng để hút quặng và một số lán trại trái phép”. Ông Thư cũng cho biết thêm, trên địa bàn hiện có tới 10 điểm khai thác khoáng sản trái phép, xã đã lập biên bản và đình chỉ hoạt động. Các đối tượng khai thác khoảng sản trái phép dùng máy múc và các loại máy móc công suất lớn để khai thác. Dùng các loại hóa chất độc hại để cô tách khoáng sản làm ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Và trong năm 2010, xã đã phối hợp với huyện tổ chức 3 đợt truy quét; nhưng ít ngày sau, họ lại mang máy tới khai thác tiếp. Không chỉ vậy, khi mời các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có bà Trương Thị Lài (thường trú tại thôn Đạ Mun) lên xã để giải quyết, trong lúc làm việc thì đối tượng Nguyễn văn Cảnh, Giám đốc công ty Đông Hải đã có hành vi gây rối ở cơ quan chính quyền địa phương và ngang nhiên thách thức yêu cầu ông Nguyễn Xuân Quan, Trường Công an xã phải viết đơn xin nghỉ việc, nếu không sẽ dùng mọi biện pháp để cấp trên buộc ông Cảnh nghỉ việc! Vì vậy,  dù chúng tôi cương quyết làm, nhưng cũng đành “bó tay”!

Tương tự, tại xã Phi Liêng (Đam Rông) gần đây cũng đã xuất hiện tình trạng khai thác vàng trái phép tại TK212. Theo ông Hoàng Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Phi Liêng, bãi vàng ở TK212 mới nổi lên từ đầu năm đến nay, tuy không lớn nhưng cũng rất phức tạp, các đối tượng đưa phương tiện cơ giới vào khai thác gây khó khăn cho địa phương. Cứ mỗi lần xã tổ chức kiểm tra thì họ ngưng hoạt động, đưa phương tiện trốn đâu đó, khi đoàn về họ quay lại tiếp tục khai thác. Cũng theo ông Duy, từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức đến 10 đợt truy quét giải tỏa các bãi vàng trên địa bàn. Mỗi lần đến nơi thì các bãi vàng trống hoắc, đoàn đành giải tỏa các chòi và lán trại, phá hỏng máy móc, lập biên bản thu giữ phương tiện khai thác (đã thu giữ được 5 máy bơm). “Sau những đợt truy quét, các “vàng tặc” thường nhắn tin hăm dọa đốt nhà những thành viên thực thi nhiệm vụ trong đoàn giải tỏa. Tuy chưa thể kết luận nhưng trong tháng 11 vừa qua, nhà của anh Tô Xuân Tuấn (một thành viên trong đoàn giải tỏa) đã bị một số đối tượng tưới dầu máy để đốt, nhưng rất may là đã phát hiện kịp thời, nên chưa gây hậu quả. Vụ việc hiện đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Đa số những người khai thác vàng trái phép là từ nơi khác đến, toàn là dân “bờ bãi” họ sẵn sàng “đổi mạng”, nên anh em không thể mạnh dạn truy quét” - ông Duy cho biết. 

Nổi cộm và quy mô là bãi vàng Đầm Voi và Tây Sơn (thuộc thôn Đắk Măng và LiêngSrôn, vùng giáp ranh giữa huyện Đam Rông và huyện Đắk Glong, Đắk Nông). Tại đây, có tới 7 chiếc “tàu vàng” với công suất lớn, hoạt động khai thác khép kín (đào, đãi, xay nghiền, chiết tách để cho ra vàng thành phẩm) ngày đêm hoạt động như một “đại khai trường vàng”. Theo chủ tịch xã Phi Liêng thì bãi vàng Đầm Voi và Tây Sơn đã hình thành gần chục năm qua, lúc đầu thì khai thác trên đồi, giờ xuống tới suối, nhưng vẫn chưa thể giải tỏa dứt điểm được. Có lúc đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã phải dùng đến thuốc nổ đánh chìm 5/7 chiếc “tàu vàng” nhưng sau đó các đối tượng lại trục vớt, khôi phục và tiếp tục hoạt động trở lại.

“Suối chết”... dân điêu đứng

Ông Phùng Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa K’ Nàng, bộc bạch: “Việc khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện là rất phức tạp. Huyện đã nhiều lần tổ chức đoàn thực hiện giải tỏa, quyết tâm triệt phá nhưng vẫn chưa thể dứt điểm”. Cũng theo ông Tỉnh, trên địa bàn xã hiện còn 2 điểm khai thác nhỏ, còn chủ yếu là ở khu vực đầu nguồn đã làm cho suối Đạ K’Nàng biến thành “dòng sông chết” do bị ô nhiễm nên người dân hết sức bức xúc. Trong khi những người đào đãi vàng thì lại rất liều, họ sẵn sàng dùng dao chém cán bộ. Muốn giải quyết dứt điểm, phải có công an, kiểm lâm và bên Phòng và Sở TN&MT phải phối kết hợp với chính quyền xã cử cán bộ cắm chốt tại chỗ, chứ xã chỉ là đơn vị phối hợp thôi.

Còn bà Kon Sơ K’Lim, bộc bạch:“Năm 2000, dòng suối Đạ K’Nàng vẫn còn trong xanh, mỗi chiều bà con dân tộc thiểu số các thôn thường ra tắm, giặt; nhưng nay, do nạn khai thác vàng khiến dòng nước đục ngầu và đặc quánh, không còn sử dụng được. Người dân cũng không dám tưới vì sợ có các chất độc hại trong nguồn nước, nghiêm trọng hơn là giờ đây, nhiều giếng nước của 4 thôn trên địa bàn xã nằm dọc theo khu vực hạ lưu của con suối cũng đã bị ô nhiễm nặng, không thể dùng được”.

Hệ lụy từ nạn đào đãi vàng trái phép trên địa bàn huyện Đam Rông - dọc theo con suối Đạ K’Nàng giờ đã rõ. Không chỉ làm cho dòng suối trong xanh giờ trở thành “suối chết” vì bị ô nhiễm nghiêm trọng mà nhiều diện tích đất màu phù sa màu mỡ của đôi bờ con suối còn bị đào xới biến thành những hầm hố sâu hoắm; suối thì bị nắn dòng nên khi vào mùa mưa lũ chưa thể nào lường hết được những cơn thịnh nộ của thiên nhiên... Điều này rất cần ngành chức năng sớm vào cuộc để giải tỏa dứt điểm.
 
Thụy Trang