Tan nát cửa nhà và bị hành hung vì “tín dụng đen”

03:01, 09/01/2011

Sau vài lần giới thiệu một số người vay với lãi suất 12%/tháng, đến tháng 2-2009 bà Lý vay giúp cho nhiều người với lãi suất 15%/tháng(nói là vay giúp nhưng có thể là vay rồi cho vay lại lãi suất cao hơn hoặc ăn tiền hoa hồng).

Kỳ 2: Tan Nát Cửa Nhà Và Bị Hành Hung Vì “Tín Dụng Đen”


Hai "cò" đáo hạn buộc phải đến Phòng Công chứng làm giấy tờ vay tiền của bà Nguyễn Thị Nhật Hòa.
Hai "cò" đáo hạn buộc phải đến Phòng Công chứng làm giấy tờ vay tiền của bà Nguyễn Thị Nhật Hòa.
Đầu tháng 1-2009, bà Nguyễn Thị Phương Thùy ở số nhà 12, đường Sư Vạn Hạnh, TT Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đặt vấn đề với bà Hồ Thị Kim Lý ở số nhà 40 Cù Chính Lan, TT Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng “Em có tiền, chị xem có ai cần thì giới thiệu: Sau vài lần giới thiệu một số người vay với lãi suất 12%/tháng, đến tháng 2-2009 bà Lý vay giúp cho nhiều người với lãi suất 15%/tháng(nói là vay giúp nhưng có thể là vay rồi cho vay lại lãi suất cao hơn hoặc ăn tiền hoa hồng). Chỉ tính trong thời gian từ tháng 2-2009 đến tháng 6-2009, số tiền giao dịch giữa bà Lý và bà Thùy có lúc lên đến 1 tỷ đồng, với lãi suất 15%/tháng và đều được thanh toán sòng phẳng. Đến cuối tháng 6-2009, bà Lý vay tiếp của bà Thùy 625 triệu đồng, rồi cho người khác vay. Do bị trục trặc trong làm ăn, người vay lại của bà Lý không trả được nợ gốc, nhưng cũng đã trả lãi cho bà Lý để bà Lý trả lãi suất cho bà Thùy 112,5 triệu đồng. Sau lần trả lãi suất này, giữa bà Lý và bà Thùy thống nhất với nhau đến 15-8-2009 bà Lý còn nợ bà Thùy tiền gốc 625 triệu đồng và 147,9 triệu tiền lãi suất. Nhưng một vài ngày sau, bà Thùy kéo theo một đối tượng đến nhà bà Lý yêu cầu bà Lý phải viết giấy nợ tiền gốc 130 triệu đồng tiền gốc và 147,9 triệu tiền lãi suất. Bà Lý buộc phải chấp nhận và trả dần tiền lãi suất, còn nợ gốc thì “bất lực” không trả được. Bà Lý lại tiếp tục đến nhà yêu cầu bà Lý phải viết giấy bán nhà, nhưng bà Lý không thể thực hiện được, vì sổ sở hữu nhà đứng tên con trai bà là Nguyễn Trung Sơn (1992). Đến tháng 9/2009, khi biết bà Lý không còn khả năng trả tiền lãi suất, bà Thùy buộc bà Lý phải chơi huê do bà cầm cái để lay tiền trả lãi suất tiền vay hàng tháng. Từ tháng 11/2009 đến tháng 3/2010, bà Lý đã trả lãi suất cho bà Thùy 35 triệu đồng, cộng với tiền chơi huê 20 triệu đồng, tổng cộng 55 triệu đồng, nhưng không hề được bà Thùy viết giấy xác nhận trả tiền lãi suất. Ngược lại, khi thấy bà Lý trả nợ theo kiểu “nhỏ giọt” và có nguy cơ không “đòi nợ” được, bà Thùy nhiều lần nhắn tin qua điện thoại, hoặc trực tiếp đến nhà hăm dọa”xử luật rừng”, thậm chí còn đe dọa “tính sổ” với con trai của bà Lý đang học tại TP Hồ Chí Minh. Cao điểm của đòi nợ theo “luật giang hồ” của bà Thùy đối với bà Lý là vào 26/5/2010 trong lúc bà Lý đang uống cà phê tại quán Phúc Lộc Thọ với một người bạn gái, thì bị một thanh niên đổ lên người chất hỗn hợp gồm xăng, dầu nhớt, mắm tôm, kèm theo lời tuyên bố “Mày không trả tiền cho bà Thùy, tao giết mày luôn”, rồi lao ra xe máy do một thanh niên nổ máy chờ sẵn bên ngoài. Đặc biệt, vào lúc 9h 30’ ngày 12/8/2010, vợ chồng bà Thùy cùng 3 đối tượng thanh niên hung hãn khác kéo đến nhà bà Lý đòi nợ. Cùng với việc la hét, chửi bới om sòm, bà Thùy ra lệnh 1 thanh niên xông vào đánh bà Lý đang trong tình trạng “bụng mang dạ chửa”, 1 thanh niên khác xông vào xiết cổ con trai bà Lý Nguyễn Trung Sơn yêu cầu phải viết giấy nợ và giấy giao nhà số 40 Cù Chính Lan. Hay tin con gái bị hành hung, mẹ của bà Lý là bà Huỳnh Thị Thái 71 tuổi chạy đến can ngăn, cũng bị vợ chồng bà Thùy hành hung, dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu. Hàng xóm thấy vậy, một mặt gọi điện báo công an, một mặt can ngăn, nên không hành hung được người, nhóm người của bà Thùy quay ra xiết xe Attila và đập phá hư hỏng tài sản của bà Lý. Thậm chí khi công an TT Liên Nghĩa đến can thiệp, nhóm người của bà Thùy vẫn hung hãn chửi bới, đe dọa người nhà bà Lý. Mãi đến lúc công an dùng biện pháp mạnh, trật tự mới được vãn hồi, chiếc xe Attila mới được các đối tượng giao trả lại cho bà Lý và đương sự gây hấn lẫn nạn nhân được yêu cầu về trụ sở công an làm việc. Vụ việc đã được công an lập biên bản, có người làm chứng, có tang chứng, vật chứng… nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo nhiều người, đây là hậu quả của tình trạng “tín dụng đen” hiện đang tồn tại trong xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn, nơi mà phần người dân đang “khát vốn” đầu tư làm ăn, phần do sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thậm chí dù có am hiểu pháp luật, nhưng tâm lý “hám lời” do lãi suất quá cao vẫn “nhắm mắt”làm liều.

Cán bộ ngành ngân hàng nói gì về “cò” dịch vụ đáo hạn và “tín dụng đen”.

Ông Nguyễn Văn Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp, chi nhánh Lâm Đồng cho biết: Sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế của đất nước có những bước phát triển mạnh mẽ, theo đó đời sống của người dân đã được cải thiện lớn. Tuy nhiên, tích lũy của người dân nhìn chung còn hạn chế, nhất là một bộ phận người dân ở các vùng nông thôn vẫn còn tình trạng thiếu vốn để đầu tư phát triển SXKD,  nên đã nảy sinh tình trạng “tín dụng ngầm”, “tín dụng đen” và những hệ lụy do nó mang lại. Nắêm bắt được điều đó, nhà nước có chủ trương thành lập hệ thống QTDND và ngân hàng CSXH từ rất sớm để đáp ứng nhu cầu vốn cho người nghèo, người sinh sống tại các vùng nông thôn còn gặp khó khăn. Hơn nữa, hiện nay hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh phát triển rộng khắp mọi địa bàn, mọi vùng miền. Vì vậy, mọi đối tượng có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế đều được đáp ứng, nhưng phải tuân thủ các quy định của nhà nước về hồ sơ thủ tục. Và cũng để thuận lợi cho người vay vốn, các tổ chức tín dụng đã tiến hành cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn và nếu ai chưa hiểu biết những quy định trong thủ tục vay vốn cũng đã có cán bộ tín dụng hướng dẫn tận tình. Vì vậy, nếu có nhu cầu về vốn để phát triển SXKD hãy cứ đến các tổ chức tín dụng, đừng nên tham gia các đường dây “tín dụng ngầm”, “tín dụng đen” ngoài xã hội, vì với lãi suất cao ở mức phi lý như trên, trước sau gì cũng bị gánh chịu hậu quả, bởi không một loại hình SXKD nào đạt được mức lợi nhuận cao như vậy. Điều đáng lưu ý nữa là: Theo quy định của nhà nước, việc giao dịch tín dụng ngoài xã hội với nhau không được vượt quá 150% so lãi suất của các ngân hàng thương mại (chẳng hạn lãi suất ngân hàng cho vay 1,1%, thì không vượt quàu 150% của 1,1%), nếu các “tín dụng ngầm”, “tín dụng đen” đưa ra lãi suất cao gấp nhiều lần so với quy định vừa nói, sẽo bị pháp luật nghiêm trị. Mặt khác, để tạo điều kiện cho những người đỹãoay vốn ngân hàng thuận lợi trong việc bổ sung vốn làm ăn, khi đến hạn nhưng cần vay vốn tiếp, các ngân hàng thương mại có chủ trương cho đáo hạn, nhưng phải là người vay vốn trực tiếp đáo hạn. Nhà nước chưa cho phép dịch vụ đáo hạn hoạt động, do đó không thể có “cò” làm dịch vụ đáo hạn. Có chăng chỉ là hoạt động phi pháp và các “cò” đưa ra lập luận phải “chung chi” cho cán bộ ngân hàng này nọ, chỉ là chiêu thức để lừa gạt, nhằm “làm tiền” nạn nhân. Bởi lẽ, các ngân hàng đều nghiêm cấm mọi hành vi gây khó dễ với khách hàng, hoặc “bắt tay” với các loại “cò” tín dụng của cán bộ, nhân viên, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh. Vì vậy, mọi người, mọi đối tượng có nhu cầu giao dịch tín dụng hãy trực tiếp đến với các tổ các tổ chức tín dụng được nhà nước cho phép thành lập, bởi chỉ ở đó mới được đáp ứng nhu cầu vốn cho vay phát triển SXKD một cách an toàn, hiệu quả nhất!                                               
 
Hoàng Kiến Giang