“Lâm tặc” lộng hành ở Sơn Điền

05:02, 22/02/2011

Sơn Điền là một trong những địa phương được xem là điểm nóng trong việc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép ở huyện Di Linh. Vì nơi đây là khu rừng (đầu nguồn) nguyên sinh còn khá nhiều các loại cây gỗ qúi. Vì thế, những năm gần đây và nhất là từ năm 2010 đến nay, tại các khu rừng trên địa bàn xã Sơn Điền liên tiếp xảy ra các vụ khai thác lâm sản trái phép.

Sơn Điền là một trong những địa phương được xem là điểm nóng trong việc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép ở huyện Di Linh. Vì nơi đây là khu rừng (đầu nguồn) nguyên sinh còn khá nhiều các loại cây gỗ qúi. Vì thế, những năm gần đây và nhất là từ năm 2010 đến nay, tại các khu rừng trên địa bàn xã Sơn Điền liên tiếp xảy ra các vụ khai thác lâm sản trái phép.

 Dấu vết phá rừng của “lâm tặc”.
Dấu vết phá rừng của “lâm tặc”.
Trong những ngày đầu xuân Tân Mão, chúng tôi có dịp theo người dân địa phương vào tiểu khu 717 thuộc địa bàn của Công ty lâm nghiệp Di Linh quản lý. Từ thôn Hà Giang, xã Sơn Điền chỉ vượt hơn 3 km rừng trồng và rẫy của người dân địa phương là tới nơi, vì đường khó đi buộc chúng tôi phải bỏ xe máy tại rẫy cà phê của bà con dân tộc thiểu số và từ đây đi bộ hơn 1 km là tới tiểu khu 717. Con đường vào đây nhẵn bóng, vẫn còn in dấu vết bánh xe công nông và xe máy của lâm tặc. Vào sâu khoảng 100 mét những gốc cây đại thụ mới bị đốn hạ, thân cây nằm la liệt và có những nơi cỏ đã mọc um tùm quanh các cây gỗ bị khai thác. Theo lời kể của người dân địa phương: trước đây, cũng tại các các khu rừng này “lâm tặc” chọn khai thác các loại gỗ quí hiếm như: trắc, hương, dổi… Tuy nhiên, những năm gần đây do các cây gỗ này trở nên khan hiếm nên bọn chúng đã chuyển sang khai thác các loại gỗ lim và sao.

Hoạt động của bọn lâm tặc diễn ra từ 16 giờ chiều (khi mà người dân đi rẫy đã về) đến 20 giờ tối và buổi sáng từ 5 giờ đến 8 giờ. Tuy nhiên, thực tế khi chúng tôi vào tiểu khu 717 là gần 10 giờ trưa nhưng vẫn còn nghe từ 2 - 3 tiếng cưa máy đua nhau gầm rú và tiếng cây rừng đổ ào ào ở dưới thung lũng. Vào sâu dọc 2 bên đường tại những điểm khai thác này, lâm tặc dùng cưa máy xẻ gỗ ra từng phiến với đầy đủ kích thước theo yêu cầu của các đầu nậu gỗ. Những cây gỗ có đường kính lớn (đạt chất lượng), sau khi khai thác, lâm tặc dùng xe máy hoặc xe công nông để vận chuyển (có lúc dùng xe máy vận chuyển ra đường nhựa rồi chất lên xe du lịch, xe tải để vận chuyển từ xã Sơn Điền về nơi tiêu thụ). Qua ghi nhận sơ bộ, chúng tôi nhận thấy hàng loạt cây gỗ quí có đường kính gần 1 mét đến 1,5 mét đã bị đốn hạ và chỉ còn trơ gốc hoặc đã bị đốt cháy. Nhiều thân cây lớn sau khi bị đốn hạ, cưa ngang, xẻ thành từng miếng “thành hộp vuông”  nhưng chất lượng kém, lâm tặc bỏ đi vẫn còn nằm vương vãi trên cả tuyến đường dài len lỏi khắp giữa rừng.

Được biết, vào 20 giờ tối 30/04/2010, tại quốc lộ 28 thuộc địa bàn thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré, huyện Di linh. Do trời tối, đường dốc và hạn chế tầm nhìn, nên chiếc xe máy của lâm tặc đã lấn trái đường và cây gỗ đã va mạnh vào xe anh Trương Phi Long (thường trú tại thôn Đăng Rách, xã Gung Ré) chạy theo hướng ngược chiều. Hậu quả, làm anh Trương Phi Long bị gãy xương ngực, vỡ tim, phổi và chết trên đường đi cấp cứu.

Điều đáng nói ở đây, tại thôn Hàng Giang, xã Sơn Điền cũng có một trạm quản lý bảo vệ rừng và trên tuyến quốc lộ 28 thuộc địa bàn xã Gung Ré có 2 trạm quản lý và mỗi khi lâm tặc vận chuyển gỗ là phải qua các trạm chốt chặng này, thế nhưng không hiểu vì sao lâm tặc vẫn “cập bến” an toàn?

Sương Mai