Dọc theo đường 723 vẫn “nóng” nạn phá rừng

04:03, 06/03/2011

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép đang diễn ra ngày càng phức tạp tại các xã nằm dọc tuyến đường 723 nối liền hai thành phố Đà Lạt - Nha Trang. Chỉ tính riêng hai năm (2009-2010) trở lại đây đã có tới trên 500 vụ phá rừng, xâm hại đến tài nguyên rừng. Đáng nói hơn, nhiều doanh nghiệp được giao thuê đất, rừng cũng vi phạm khiến cho gần trăm ha rừng thông đã bị triệt hạ không thương tiếc. 

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép đang diễn ra ngày càng phức tạp tại các xã nằm dọc tuyến đường 723 nối liền hai thành phố Đà Lạt - Nha Trang. Chỉ tính riêng hai năm (2009-2010) trở lại đây đã có tới trên 500 vụ phá rừng, xâm hại đến tài nguyên rừng. Đáng nói hơn, nhiều doanh nghiệp được giao thuê đất, rừng cũng vi phạm khiến cho gần trăm ha rừng thông đã bị triệt hạ không thương tiếc. 
 
 Phá rừng để chiếm đất dọc đường 723.
Phá rừng để chiếm đất dọc đường 723.

Đi dọc tuyến đường 723, nhìn những vạt thông hơn 20 năm tuổi bị bức tử, triệt hạ hay lấn chiếm không khỏi chạnh lòng. Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng không chỉ diễn ra ở tiểu khu 118, thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Báo Lâm Đồng đã thông tin) mà còn xảy ra tại nhiều tiểu khu khác thuộc 3 xã nằm trên tuyến đường này. Hình thức xâm hại tài nguyên rừng cũng đủ kiểu: ken gốc cây, lấn chiếm đất lâm nghiệp, hạ gục cây để xẻ gỗ…và mới nhất là hành vi vạt gốc bỏ thuốc bức tử rừng thông trên đất rừng do Doanh nghiệp Thành Văn thuê.

Xã cấp phép xẻ gỗ   

Theo Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, trong vòng 6 tháng trở lại đây, trên địa bàn 3 xã gồm Đạ Sar, Đa Nhim và Đạ Chays đã xảy ra 89 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng với diện tích rừng bị xâm hai gần 23 ha. Trong đó, phá rừng trái phép 55 vụ, khai thác lâm sản trái phép 11 vụ, và vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép 20 vụ…thiệt hại hàng trăm mét khối gỗ thông. Còn nếu tính trong hai năm vừa qua, ít nhất có tới 520 vụ vi phạm liên quan đến gần 100 ha rừng tại các tiểu khu 95, 97, 117, 119 và 120 thuộc lâm phần các xã Đạ Sar, Đa Nhim. Tuy nhiên, trong số các vụ phá rừng nêu trên, hiện Công an Lạc Dương mới chỉ khởi tố hình sự 3 vụ liên quan đến khai thác rừng trái phép. Chỉ riêng trường hợp ông Cao Văn Quân, bị lực lượng kiểm lâm bắt quả tang cất giấu gỗ tại nhà với số lượng gỗ thông là 13,5 m3 gỗ xẻ với đủ quy cách khác nhau. “Khi kiểm tra, phát hiện mới biết ông Quân có giấy phép với nội dung “đồng ý cho phép cưa xẻ gỗ và giao cho Trạm Kiểm lâm làm chỉ điểm” do Chủ tịch UBND xã Đạ Chas, ông Ha Quyên ký” - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, ông Hoàng Tất Dương cho hay. Theo UBND huyện Lạc Dương, điểm nóng phá rừng trên địa bàn huyện, ngày càng có dấu hiệu phức tạp diễn ra tại xã Đạ Sar (chiếm gần 49% trên tổng số vụ phá rừng tại huyện trong thời gian gần đây). Các đối tượng lợi dụng vào ban đêm, dùng cưa máy triệt hạ thông nên để bắt quả tang, lực lượng kiểm lâm phải mai phục nhiều ngày mới bắt được. Ông Nguyễn Duy Hải - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho rằng, tình trạng phá rừng ngày càng nghiêm trọng, tập trung chủ yếu dọc tuyến đường 723 không phải do người dân thiếu đất sản xuất mà chính là nguồn lợi từ đất. Chỉ cần chắt hạ, ken chết chục cây thông là có cả sào đất nhằm mục đích trồng cà phê, sang nhượng trái phép. Tình trạng rừng bị xâm hại, lấn chiếm có phần liên quan đến khâu cán bộ, do quản lý từ huyện đến xã và lực lượng kiểm lâm địa bàn còn thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng.

Khó xử doanh nghiệp vi phạm  

Hiện trên địa bàn Lạc Dương có 62 dự án được tỉnh cho thuê đất, rừng; trong đó dọc tuyến đường 723 (hầu hết là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng bảo tồn thiên nhiên thuộc rừng quốc gia Bidoup - Núi Bà) có tới 32 dự án đầu tư vào các lĩnh vực rau hoa nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái dưới tán dừng và sản xuất nông lâm kết hợp chăn nuôi…Để phục vụ các dự án này, ngành chức năng đã tiến hành quy hoạch 9.023 ha đất rừng, hiện tại diện tích đã có quyết định thu hồi 6.323 ha để cho 50 doanh nghiệp thuê. Thế nhưng, một số các doanh nghiệp được giao đất, thuê rừng để triển khai dự án nhưng đến nay vẫn chưa lập phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng để triển khai thực hiện, thậm chí còn để rừng bị lấn chiếm, chặt phá trái phép. Đặc biệt, mới chỉ có 27/50 đơn vị lập thủ tục thuê rừng với diện tích 3.400 ha trong số diện tích rừng đã có quyết định thu hồi của UBND tỉnh. Phần lớn diện tích rừng bị hủy hoại trong thời gian qua nằm trong diện tích rừng cho doanh nghiệp thuê để lập dự án, nhưng chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng dẫn đến một số diện tích có cây rừng bị hủy hoại mà không xử lý hành chính được cũng như việc đền bù tài nguyên rừng khi rừng bị xâm hại. Ông Bùi Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, khi xử lý các đối tượng thuê đất, rừng vi phạm gặp nhiều vướng mắc, bởi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý bảo vệ rừng chỉ đề cập đến đối tượng được giao rừng chứ không nói đến đối tượng thuê rừng.    

XUÂN TRUNG