Trong đợt ra quân chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách tại một số địa bàn huyện, thành phố trong tỉnh mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Lâm Đồng đi đến đâu cũng phát hiện những hành vi vi phạm các quy định về trật tự vận tải khách, đặc biệt đối với các phương tiện đang hoạt động trên đường.
Trong đợt ra quân chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách tại một số địa bàn huyện, thành phố trong tỉnh mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Lâm Đồng đi đến đâu cũng phát hiện những hành vi vi phạm các quy định về trật tự vận tải khách, đặc biệt đối với các phương tiện đang hoạt động trên đường.
Hoạt động vận tải khách tập trung ở hai trung tâm đô thị lớn trong tỉnh đó là các thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt mới có bến xe khách đạt tiêu chuẩn bến xe cấp 1 cũng như số lượng đầu xe, khai thác các tuyến cố định nhiều nhất Lâm Đồng. Thế nhưng ở những nơi có điều kiện kinh doanh này, hoạt động vận tải khách vẫn thể hiện một bức tranh “sẫm màu” với nhiều hình thức vi phạm khác nhau: Tại thành phố Đà Lạt, Đoàn công tác liên ngành kiểm tra trong vòng chưa đầy một tháng đã phát hiện và lập 11 biên bản vi phạm quy định về trật tự vận tải khách với 14 hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung vào lỗi không chạy đúng hành trình vận tải quy định với 8 trường hợp; còn lại là các vi phạm khác bao gồm: xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có danh sách hành khách, không có hợp đồng vận chuyển hay đón, trả khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã được quy định nơi đón, trả khách. Đáng nói hơn, các chủ phương tiện vận chuyển khách theo tuyến cố định không có “Sổ nhật trình chạy xe” hoặc có “Sổ nhật trình chạy xe” nhưng lại không có xác nhận của bến xe ở hai đầu tuyến…
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Tương tự, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, qua kiểm tra Đoàn công tác liên ngành đã phát hiện và lập 28 biên bản vi phạm với 32 hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm của các phương tiện tại Bảo Lộc như: chạy không đúng hành trình vận tải, vận chuyển hành khách theo hợp đồng nhưng không có danh sách hành khách nên chỉ là hợp đồng ảo. Đặc biệt tình trạng đón, trả khách, chở quá số người quy định thường xuyên diễn ra.
Ngoài hai địa bàn trọng điểm vận tải khách nêu trên, tình trạng vi phạm ở một số huyện cũng khá phổ biến mặc dù tại các địa phương này các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách, số lượng đầu xe kinh doanh không nhiều. Ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và Đơn Dương tình trạng vi phạm đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể mắc các lỗi vi phạm như: Hoạt động kinh doanh vận tải khách mà chưa có giấy phép kinh doanh hay hợp đồng ủy thác bán vé. Tình trạng treo biển hiệu giao dịch bán vé, đón trả khách tại nhà xuất hiện tại các cửa hàng tạp hóa khiến cho trật tự vận tải hết sức lộn xộn. Bên cạnh đó các phương tiện hoạt động trên đường vi phạm các quy định về đón, trả khách, không có xác nhận của hai đầu bến đi và đến… Phổ biến nhất là các hành vi chở khách không có phù hiệu, chạy không đúng hành trình vận tải, không chạy đúng tuyến đường đăng ký, có trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thừa hành công vụ.
Theo Sở Giao thông vận tải, qua kiểm tra tại các địa bàn trên đã phát hiện lập 69 biên bản vi phạm hành chính về trật tự vận tải khách với 76 hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước. Điều này cho thấy hoạt động vận tải khách “rờ đến đâu phát hiện vi phạm đến đấy” là một thực tế đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân, do các địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách nên nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đặt bảng hiệu, văn phòng đại diện, điểm giao dịch và đại lý bán vé không đúng quy định nhưng chưa bị kiểm tra, chấn chỉnh. Tình trạng các xe ô tô khách kinh doanh trái phép, vận tải công cộng nhưng không đăng ký kinh doanh tuy số lượng xe vi phạm được phát hiện không nhiều và hầu hết là xe của các cá nhân, hộ gia đình nhưng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng vẫn còn tồn tại. Một số xe dùng hình thức bên ngoài giống như xe du lịch, xe thư báo và dùng sổ nhật trình, dấu ban quản lý bến xe giả để qua mặt lực lượng thanh tra, kiểm tra. Qua đó cho thấy lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên đường chưa chú trọng kiểm tra các phương tiện hoạt động kinh doanh có đúng quy định hay không như: xác nhận vào sổ nhật trình, không có sổ nhật trình, phù hiệu hoặc vận tải khách tuyến cố định núp bóng dười hình thức hợp đồng vận chuyển khách…
Để chấn chỉnh các vi phạm nêu trên, Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra xử lý vi phạm. Đồng thời đối với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục vi phạm đề nghị thu hồi đăng ký kinh doanh, tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe, áp dụng mức chế tài đủ năng để răn đe có như thể mới lập lại trật tự vận tải khách trên địa bàn tỉnh.
XUÂN TRUNG