Những tháng đầu năm 2011 này, tình trạng vi phạm luật Bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đạ Huoai diễn biến khá phức tạp.
Các xe ô tô bị bắt giữ tại Hạt kiểm lâm Đạ Huoai. |
Cũng theo báo cáo của Hạt kiểm lâm Đạ Huoai, tình hình khai thác rừng trái phép diễn ra phức tạp tại khu vực rừng phòng hộ thuỷ điện Đạ M’ri, xã Phước Lộc, khu vực giáp ranh với huyện Đạ Tẻh, xã Đạ P’Loa, Đoàn Kết; trong đó trọng điểm là khu vực rừng phòng hộ thuỷ điện Đạ M’ri và xã Phước Lộc. Tại xã Phước Lộc, mặc dù Hạt kiểm lâm huyện đã thiết lập một chốt bảo vệ rừng tại đây, nhưng hàng ngày vào thời điểm 15-18 h vẫn có hàng chục thanh niên người đồng bào DTTS dùng xe máy vận chuyển gỗ xẻ hộp ngang nhiên đi qua chốt ra tập kết tại thôn Phước Dũng để các “đầu nậu” dùng xe ô tô chuyển đến nơi tiêu thụ.
Điều đáng nói là do tại chốt chặn chỉ có một cán bộ kiểm lâm trực, nên không đủ “sức mạnh” để ngăn chặn, mặt khác các đối tượng vi phạm cũng xem thường cán bộ trực chốt, nên vẫn ngang nhiên vận chuyển gỗ, chỉ khi có lực lượng đội công tác 12 của huyện vào tăng cường, các đối tượng mới tìm cách lẩn trốn. Tại khu vực giáp ranh giữa huyện Đạ Huoai và huyện Đạ Tẻh thường xuyên có các đối tượng khai thác gỗ trái phép, sau đó dùng xe ô tô vận chuyển về hướng Đạ Tẻh tiêu thụ.
Dọc quốc lộ 20 trên địa bàn huyện Đạ Huoai, tình hình mua bán, vận chuyển lâm sản(chủ yếu là gỗ) trái phép diễn ra ngày càng nhiều. Các đối tượng thường sử dụng xe ô tô hết đời, hết niên hạn sử dụng vận chuyển gỗ xuống huyện Tân Phú-Đồng Nai để tiêu thụ, khi bị lực lượng kiểm lâm, hoặc đội 12 của huyện Đạ Huoai phát hiện rượt bắt thì bỏ xe, bỏ tang vật lẩn trốn, hoặc gọi di động để đồng bọn ứng cứu, chống đối quyết liệt lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Điều đáng nói nữa là: Không chỉ rừng đang do nhà nước quản lý, mà ngay cả rừng đã có chủ do các doanh nghiệp nhận quản lý, bảo vệ cũng bị các đối tượng “lâm tặc” tàn phá.
Chẳng hạn: Tại tiểu khu 602, xã Hà Lâm, trên lâm phần do công ty TNHH Minh Huy quản lý đã xảy ra 2 vụ khai thác rừng trái phép, trong đó có vụ chặt hạ 5 cây gỗ xoan với khối lượng gần 27 m3 gỗ tròn. Trên lâm phần do công ty Song Hải Long quản lý cũng xảy ra tình trạng các đối tượng ngang nhiên khai thác gỗ trái phép, sau đó dùng xe ô tô vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ, nhưng chủ rừng và Ban lâm nghiệp xã Đạ Tồn “bất lực” trong việc bắt giữ. Theo cán bộ ngành kiểm lâm huyện Đạ Huoai cho biết: Sở dĩ tình trạng vi phạm luật bảo vệ-phát triển rừng trên địa bàn huyện có chiều hướng gia tăng, phức tạp là do giá cà phê lên cao, người dân lấn chiếm đất rừng để lập vườn trồng cà phê, hoặc sang nhượng, mua bán trái phép.
Mặt khác, do gỗ trên thị có giá cao, nên nhiều đối tượng hám lợi, bất chấp pháp luật để thu lợi bất chính. Trước tình hình đó, Hạt kiểm lâm huyện Đạ Huoai đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng việc: Tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống các địa bàn cơ sở phối hợp với Ban lâm nghiệp xã tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, xử lý những đối tượng vi phạm luật bảo vệ-phát triển rừng. Phối hợp với các xã, thị trấn lập các chốt trạm quản lý, bảo vệ rừng, nhất là ở địa bàn xã Phước Lộc. Phối hợp với đội công tác 12 của huyện tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ,ø lâm sản trái phép tại các “điểm nóng” và dọc quốc lộ 20. Trong 4 tháng đầu năm, Hạt đã tiến hành xử lý 29 vụ vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 24 vụ, chuyển cơ quan công an xử lý hình sự 5 vụ, tịch thu 4 xe ô tô, 7 xe trâu bò kéo và nhiều phương tiện khác, tịch thu gần 130,5 m3 gỗ các loại, xử phạt hành chính, thanh lý tang vật, nộp ngân sách nhà nước trên 384 triệu đồng.
Theo ông Lê Thanh Ba - Cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm huyện Đạ Huoai, việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, xử lý kiên quyết của Hạt kiểm làm là cần thiết, nhưng chưa đủ sức để chấm dứt tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện. Thực tế đó cho thấy cần có sự “vào cuộc” đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn, triệt phá các “điểm nóng” và tuyên truyền, vận động người dân thấy được tác hại của việc phá rừng, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ rừng, xem rừng là tài sản quý giá của quốc gia, cũng là của bản thân để đóng góp công sức, cùng nhau làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của con người.