Rừng đầu nguồn dọc tuyến quốc lộ 723 bị tàn phá

02:06, 14/06/2011

(LĐ online) - Dự kiến đến cuối tháng 6 này, huyện Lạc Dương sẽ tổ chức một cuộc họp để xem xét về việc kỷ luật 19 cá nhân và một tập thể có liên quan đến các vụ phá rừng này.

(LĐ online) - Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương có gần 300 ha rừng bị tàn phá; trong đó, đáng kể là rừng đầu nguồn Đa Nhim dọc theo quốc lộ 723 (Đà Lạt – Nha Trang) thuộc địa bàn huyện Lạc Dương đã giao cho các doanh nghiệp kinh doanh. Dự kiến đến cuối tháng 6 này, huyện Lạc Dương sẽ tổ chức một cuộc họp để xem xét về việc kỷ luật 19 cá nhân và một tập thể có liên quan đến các vụ phá rừng này.

RỪNG BỊ PHÁ BỞI NHỮNG DỰ ÁN

Con đường 723 nối Đà Lạt với Nha Trang được mở ra từ ba năm trước; đoạn đi qua huyện Lạc Dương (các xã Đạ Sar, Đạ Chair và Đa Nhim) dài khoảng 70km xuyên qua những cánh rừng thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và rừng thuộc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Từ khi con đường được mở ra, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đã được phép vào đây để triển khai các dự án kinh tế nhằm làm lợi cho doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, một hệ quả kéo theo dễ nhận thấy là đã và đang có hàng loạt dự án được triển khai không đúng với nội dung cam kết khiến cho hàng loạt cánh rừng thuộc rừng phòng hộ dọc theo tuyến lộ 723 bị tàn phá một cách nghiêm trọng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra rừng Lạc Dương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra rừng Lạc Dương. Ảnh Hồ Xuân Trung

Vài tháng gần đây, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng chính quyền và cơ quan chức năng huyện Lạc Dương đã tỏ rõ quyết tâm của mình trong việc lập lại trật tự trên lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng bằng cách kiểm tra và chấn chỉnh hàng loạt các dự án đã và đang triển khai có liên quan đến rừng và đất rừng dọc theo tuyến lộ 723, thuộc địa bàn huyện Lạc Dương. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại các dự án đầu tư đang được triển khai này.

Cũng qua kiểm tra, không chỉ nhắc nhở mà chính quyền còn đề nghị hoặc ra quyết định xử phạt và thu hồi giấy phép các đơn vị sai phạm. Ông Nguyễn Duy Hải – Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương – cho biết: “Gần đây nhất, huyện đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định buộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Văn bồi thường hơn 1 tỷ đồng vì đã để xảy ra nạn phá rừng trên diện tích rừng được giao”.

Năm 2008, Công ty Thành Văn đã được nhận hơn 13ha rừng tại khu vực xã Đạ Sar để thực hiện dự án trồng cây, trồng hoa trang trí và nuôi cá nước lạnh theo dự án đã được phê duyệt. Trong đợt kiểm tra mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm cây thông ba lá thuộc khu rừng đã giao cho Thành Văn (nằm trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim) bị khoét gốc và đổ thuốc độc cho đến chết, diện tích rừng bị phá lên đến hơn 2,1ha với mức độ thiệt hại về lâm sản và môi trường hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương sau khi điều tra đã có kết luận một đơn vị khác là Công ty TNHH Thành Phong đã để xảy ra tình trạng phá rừng trên diện tích được giao thuộc tiểu khu 144, xã Đạ Sar, đề xuất cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt Công ty Thành Phong số tiền lên đến 420.900.000 đồng. Rừng đã được giao cho Thành Phong với mục đích quản lý nhưng Công ty Thành Phong vẫn để tình trạng phá rừng xảy ra trên diện tích 1,6ha rừng thông ba lá tự nhiên có trữ lượng gỗ 90m3/ha.

CHẤN CHỈNH CÁC DỰ ÁN VÀ CHẤN CHỈNH CẢ CÁN BỘ

Theo thông tin vừa được UBND huyện Lạc Dương công bố: Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, ông Nguyễn Duy Hải đã chính thức đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi 3 dự án đầu tư trên địa bàn huyện Lạc Dương dọc theo tuyến quốc lộ 723 nối Đà Lạt (Lâm Đồng) với Nha Trang (Khánh Hòa), chủ yếu thuộc khu vực rừng đầu nguồn Đa Nhim.

Nguyên nhân chính để huyện Lạc Dương đề nghị thu hồi là chủ đầu tư các dự án này không thực hiện đầu tư đúng theo cam kết, và đặc biệt là đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép trên diện tích rừng đã được giao một cách nghiêm trọng.

3 dự án bị đề nghị thu hồi này là dự án nuôi cá nước lạnh của Công ty cổ phần Bất động sản Quang Minh, dự án khu du lịch Đông Dương của Công ty TNHH Miền Nhiệt Đới Đà Lạt và dự án trồng cây blue berry và rash berry của Công ty TNHH dâu tươi Khánh Bích.

Theo số liệu của UBND huyện Lạc Dương, tính đến nay, trên địa bàn huyện này có 62 doanh nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê rừng để thực hiện các dự án kinh tế với tổng diện tích đất rừng lên đến 9.032ha; trong đó, riêng dọc theo tuyến đường 723 có 32 dự án đầu tư, chủ yếu thuộc lĩnh vực du lịch, lâm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và nuôi cá nước lạnh với tổng diện tích đất lâm nghiệp đã cấp là 4.504ha.

Cơ quan chức năng của huyện này còn cho biết: Chỉ từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương đã có gần 30ha rừng bị thiệt hại; và nếu cộng dồn từ 2005 đến nay thì con số này lên đến gần 200ha.

Tại một buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng với chính quyền huyện Lạc Dương, lãnh đạo huyện Lạc Dương đã thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân dẫn đến việc rừng đầu nguồn Đa Nhim, nhất là rừng dọc theo tuyến quốc lộ 723 đã giao cho các doanh nghiệp, bị tàn phá là một phần xuất phát từ công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực lâm nghiệp của địa phương có lúc còn lỏng lẻo và thiếu tính đồng bộ.

Cũng tại buổi làm việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – ông Hoàng Sỹ Sơn, đã đề nghị UBND huyện Lạc Dương phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị liên quan đến việc để rừng đầu nguồn Đa Nhim bị tàn phá dữ dội; đồng thời, yêu cầu huyện kể từ nay tạm dừng thu hút các dự án đầu tư mới cùng với việc chấn chỉnh các dự án hiện có liên quan đến rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương. 

Cùng với các doanh nghiệp bị xử lý nghiêm, cũng liên quan đến lĩnh vực rừng, trong cuối tháng 6 này, còn có gần 20 cán bộ và một tập thể nhận hình thức kỷ luật là một thông tin không vui nhưng nó chính là sự thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo huyện Lạc Dương trong việc lập lại trật tự trên lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng.

 

Khắc Dũng