Giải quyết quyền lợi cho người nhận khoán như thế nào cho hợp lý

03:07, 26/07/2011

Việc tranh chấp, khiếu kiện giữa những công nhân nhận khoán với đơn vị giao khoán vườn cây kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cuộc họp vẫn chưa ngã ngũ...

Việc tranh chấp, khiếu kiện giữa những công nhân nhận khoán với đơn vị giao khoán vườn cây kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cuộc họp vẫn chưa ngã ngũ. Tìm hiểu cội nguồn của sự việc và nguyên nhân dẫn đến bất đồng hai bên, chúng tôi thấy, để giải quyết được vấn đề cần phải dựa trên quan điểm: Hai bên cùng có lợi, nghĩa là người nhận khoán vẫn ổn định được cuộc sống lâu dài, nhưng đơn vị giao khoán vẫn thực hiện được sự chuyển đổi được vườn cây để mang lại lợi ích cao cho đơn vị và người nhận khoán.

* Nguồn gốc của sự tranh chấp, khiếu kiện: Năm 1997, Nông trường 28/3 của Công ty chè Lâm Đồng hợp đồng giao khoán sản lượng chè 50 năm cho công nhân, trong đó có 9 hộ hiện nay vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng và đang khiếu nại về việc chấm dứt hợp đồng, gây khó khăn cho đời sống của họ. Năm 2004, theo quyết định của UBND tỉnh, chuyển giao toàn bộ diện tích vườn chè giao khoán tại thôn 3, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm từ Công ty chè sang cho Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả (TTNC-CGKTCCN-CAQ) trực thuộc Sở NN-PTNT và toàn bộ người nhận khoán cũng được chuyển giao về TT. Lúc bấy giờ, một số hộ nhận khoán được thanh lý hợp đồng, nhận tiền bồi thường một lần, 9 hộ còn lại chỉ được hưởng một phần tiền đền bù cây trồng dặm, cây bóng mát và được trợ cấp 6 tháng lương thực trong thời gian bàn giao. Sau đó, Giám đốc TT Phan Quốc Hùng giải thích: Do đặc thù của công việc, hợp đồng nhận khoán vườn cây 50 năm vẫn tiếp tục thực hiện, nhưng được ký kết 3 năm một. Lúc đầu các hộ nhận khoán cũng thắc mắc, nhưng về sau phương án đưa ra vẫn được hai bên tiến hành.  Năm 2005, dù chưa hết thời hạn hợp đồng 3 năm, nhưng lấy lý do cần mặt bằng để tổ chức vườn ươm, đã ngang nhiên san ủi toàn bộ diện tích chè nhận khoán của 3 hộ Trần Thị Liên, Lê Thị Nhuận, Đinh Quang Kính để trồng chè Olong và hứa: sau thời gian kiến thiết cơ bản sẽ cho 3 hộ này nhận khoán 3 năm một. Nhưng trong thực tế, TT đưa sản lượng khoán lên quá cao, 3 hộ này không đồng ý. TT lấy lý do đó giao nhận khoán cho một số khác, sau đó trên diện tích trồng chè Olong bị chết sạch, TT lại giao khoán trồng cà phê cho một số hộ khác với thời hạn 20 năm, tranh chấp, khiếu kiện xảy ra ngày càng gay gắt, phức tạp. Cuối năm 2010, hết thời hạn 3 năm, TT lại tiếp tục yêu cầu người nhận khoán phải trả đất để TT thực hiện phương án sản xuất tập trung, 9 hộ nhận khoán không đồng ý, đòi phải có sự thanh lý hợp đồng đúng các điều khoản trong hợp đồng 50 năm trước đây đã ký kết, hoặc phải được tiếp tục nhận khoán để ổn định cuộc sống lâu dài. Bởi theo họ: Trước đây họ là công nhân của nông trường, sau đó thực hiện sự chuyển đổi phương thức sản xuất, họ đã được Nông trường 28/3 của Công ty chè Lâm Đồng ký kết hợp đồng giao khoán sản lượng vườn cây ổn định 50 năm (1997-2047). Trên diện tích nhận khoán đó, họ đã bỏ ra nhiều công sức để chăm sóc vườn chè và chính vườn chè nhận khoán đã cho họ thu nhập để ổn định cuộc sống, gắn bó có trách nhiệm với đơn vị giao khoán gần 15 năm qua, thì nay thu hồi toàn bộ diện tích nhận khoán của họ mà không có một chế độ ưu tiên, đãi ngộ, hay đền bù gì thỏa đáng, thì gia đình họ lấy gì sinh sống. Từ suy nghĩ, lập luận như vậy, 9 hộ nhận khoán kiên quyết không đồng ý, tranh chấp, khiếu kiện ngày càng nghiêm trọng. Nhiều cuộc họp, nhiều buổi thương thuyết giữa hai bên đều không thành, thậm chí còn phức tạp thêm khi có một số hộ do bức xúc, có những lời nói, những hành vi thiếu chuẩn mực.

Tìm tiếng nói chung để giải quyết thấu tình đạt lý: Làm việc với chúng tôi, giám đốc TTNC - CGKTCCN - CAQ - Phan Hải Triều thừa nhận: Sở dĩ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện như hiện nay là do trước đây khi bàn giao vườn cây nhận khoán tại thôn 3, xã Lộc Thành từ Công ty chè về TT làm không chặt chẽ, không thanh toán tiền bồi thường đầy đủ cho các hộ nhận khoán. Hơn nữa, khi chưa có sự thống nhất giữa hai bên, TT lại san ủi trắng diện tích nhận khoán của 3 hộ để làm vườn ươm. Nhưng rồi vườn ươm cũng không thành, thiệt hại cho Nhà nước gần cả tỷ đồng, vườn ươm bị “xóa sổ”, nhiều diện tích của khu sản xuất Lộc Thành bị bỏ hoang hóa, lại đưa người bên ngoài vào nhận khoán trồng cà phê, gây nên những bức xúc cho người nhận khoán trước đây. Nay để thực hiện dự án đầu tư xây dựng vườn ươm công nghệ cao và vườn giống gốc, vườn bảo tồn giống, vườn nhân chồi phục vụ công tác nghiên cứu và khảo nghiệm giống, TT đang rất cần có mặt bằng để triển khai thực hiện. Do đó, trên diện tích nhận khoán của 9 hộ, TT sẽ tính toán lại diện tích giao khoán theo hướng: Phần nào thu hồi để thực hiện dự án thì sẽ thu hồi, phần nào tiếp tục giao khoán thì sẽ hợp đồng giao khoán. Nhưng trên diện tích giao khoán đó, vì đa số là chè hạt cho năng suất, chất lượng thấp, TT sẽ bàn bạc với các hộ nhận khoán tiến hành thay đổi giống chè mới theo phương thức: TT sẽ đầu tư cây giống, chuyển giao KHKT cho người nhận khoán, nhằm tạo giống mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn, để hai bên cùng có lợi. Mặt khác, trên diện tích thực hiện dự án, khi triển khai TT đều sẽ ưu tiên cho những hộ nhận khoán trước đó, nhằm tạo thu nhập để ổn định cuộc sống cho người đã gắn bó với Công ty chè (trước đây) và TT hiện nay từ hàng chục năm qua. Vấn đề còn lại là các hộ nhận khoán cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm và tuân thủ các điều khoản quy định của TT, để TT vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa quan tâm được đời sống của CB CNV trong đơn vị và cả người nhận khoán, tạo nên sự gắn kết có trách nhiệm lâu dài giữa các bên.
Hoàng Kiến Giang