Bảo Lộc: Đối tượng làm giấy tờ giả lãnh án

03:08, 24/08/2011

Liên quan đến một đường dây làm giả gần 400 giấy phép lái xe, bằng đại học, bằng tốt nghiệp phổ thông, chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ nghề các loại cung cấp cho nhiều người trên địa bàn cả nước mà cơ quan điều tra công an TP Bảo Lộc triệt phá…

Liên quan đến một đường dây làm giả gần 400 giấy phép lái xe, bằng đại học, bằng tốt nghiệp phổ thông, chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ nghề các loại cung cấp cho nhiều người trên địa bàn cả nước mà cơ quan điều tra công an TP Bảo Lộc triệt phá…

Mới đây, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP. Bảo Lộc đã tuyên phạt hai đối tượng 6 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Hội đồng xét xử còn áp dụng thêm hình phạt bổ sung bằng tiền đến 60 triệu đồng.

Đó là các đối tượng Nguyễn Tiến Thạch (47 tuổi, ngụ tại: số 408/8 Nguyễn Xiển, phường Long Thạch Mỹ, Quận 9, TP Hồ Chí Minh), Phạm Văn Ninh (63 tuổi, ngụ tại: Tổ 2, khu phố 4, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

Trước cơ quan điều tra và tại phiên tòa, hai bị cáo cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội để mong nhận được chính sách khoan hồng của pháp luật.

Theo đó, vào tháng 9/2009, trên một chuyến xe khách từ Bảo Lộc về TP Hồ Chí Minh, Thạch ngồi cạnh bắt chuyện làm quen với Ninh. Không ngần ngại, Thạch khoe có biệt tài làm giả nhiều loại giấy tờ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức y như thật, rồi lôi kéo Ninh vào con đường làm ăn phi pháp. Lúc chia tay xuống bến, Thạch gửi cho Ninh tên, tuổi, địa chỉ cho tiện bề giao dịch với lời mời hễ ai có nhu cầu làm giấy tờ giả hãy liên hệ với Thạch sẽ được hưởng khoản thù lao hậu hĩnh.

Thấy công việc nhàn hạ lại dễ kiếm tiền nên khi trở về Bảo Lộc, Ninh bắt tay tìm mối tiêu thụ giấy phép lái xe mô tô, ôtô, bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ nghề giả cho nhiều người ở địa phương và hàng trăm đối tượng trong địa bàn cả nước.

Ninh khai nhận, đối với giấy phép lái xe mô tô (hạng A1, A2) thu trực tiếp của đối tượng có nhu cầu làm giả từ 700.000đ đến 1.000.000đ/giấy. Ninh giao cho Thạch 250.000đ đến 400.000đ/giấy. Đối với giấy phép lái xe ôtô (hạng B1, B2,C,D,E) thu từ 7.000.000đ đến 10.000.000đ/giấy, rồi chuyển tiền cho Thạnh giá chỉ 2.000.000đ đến 4.000.000đ/giấy. Bằng tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ nghề, Ninh nhận làm giả từ 2.000.000đ đến 6.000.000đ/bằng, chuyển cho Thạch giá 1.500.000đ/bằng. Số tiền chênh lệch còn lại, Ninh bỏ túi tiêu xài cá nhân.

Thạch khai nhận, khi gặp đối tượng có nhu cầu làm giấy tờ, bằng cấp giả, Ninh có trách nhiệm thu thập thông tin, hình ảnh, lý lịch cá nhân, thu tiền rồi mang xuống một điểm hẹn ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương giao cho Thạch, khoảng một tuần sau Ninh xuống nhận giấy tờ, bằng cấp giả về giao cho khách. Thạch nói, số tiền chênh lệch Ninh khấu trừ, giữ lại là tiền công trả cho Ninh.

Cơ quan điều tra tiến hành khám xét chỗ ở của Ninh tại TP Bảo Lộc phát hiện, thu giữ cuốn sổ ghi chép việc Ninh đã làm và giao giấy tờ, tài liệu giả cho tổng số 392 người trên địa bàn cả nước. Chủ yếu là giấy phép lái xe môtô, ôtô, văn bằng chứng chỉ tốt nghiệp của các trường cao đẳng, đại học, trung tâm dạy nghề… Cạnh đó, thu giữ thêm 67 giấy phép lái xe giả các loại, 33 bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ nghề mà Ninh chưa kịp giao cho khách hàng cùng nhiều tài liệu, tài sản khác liên quan.

Từ tang vật thu giữ tại hiện trường, Công an tỉnh Lâm Đồng giám định, kết luận toàn bộ số giấy phép lái xe trên không phải do Bộ Giao thông vận tải phát hành; Các loại văn bằng, chứng chỉ đều có con dấu và chữ ký giả mạo của các trường cao đẳng, đại học, trung tâm dạy nghề.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cho rằng, việc làm giả tài liệu, giấy tờ của các bị cáo không chỉ phát tán ở Lâm Đồng mà trong phạm vi cả nước nên tính chất hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến lĩnh vực trật tự quản lý hành chính của Nhà nước.

Với tình tiết định khung tăng nặng, phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần và nhiều tình tiết giảm nhẹ. Căn cứ vào hành vi phạm tội của từng bị cáo, Tòa án nhân dân TP. Bảo Lộc vừa tuyên phạt Nguyễn Tiến Thạch và Phạm Văn Ninh mỗi bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, phạt bổ sung mỗi bị cáo 30.000.000đ về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Thiết nghĩ, tình hình tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, trong đó có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng giấy phép lái xe giả. Cạnh đó, một số cán bộ công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả… bị phát hiện trong thời gian qua gây không ít bức xúc trong dư luận xã hội. Thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kiên quyết và xử lý nghiêm khắc những người sử dụng giấy phép, văn bằng, chứng chỉ giả.

Vụ án không chỉ là bài học cho đối tượng làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức mà còn cảnh tỉnh những người đang sử dụng giấy phép, văn bằng, chứng chỉ giả.
TIẾN DÂN