Bất cập trong quản lý xây dựng đô thị Đà Lạt: Điểm danh những vi phạm (bài 3)

02:09, 08/09/2011

Thực trạng sai phạm trong xây dựng diễn ra trong thời gian dài tăng tại một số thời điểm phần nào chứng tỏ sự buông lỏng quản lý trật tự đô thị của những đơn vị, chính quyền cơ sở.

[links(right)] Thực trạng sai phạm trong xây dựng diễn ra trong thời gian dài không những giảm mà còn tăng tại một số thời điểm phần nào chứng tỏ sự buông lỏng quản lý trật tự đô thị của những đơn vị, chính quyền cơ sở được giao nhiệm vụ. Thậm chí một số tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm các thủ tục, quy định trong quá trình giải quyết theo thẩm quyền.
 
Sai phép trên đường Hồ Tùng Mậu bị ngưng thi công xử lý
Sai phép trên đường Hồ Tùng Mậu bị ngưng thi công xử lý

LÀM NGƠ VI PHẠM?

Theo quy định, Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Đồng thời phải tổ chức kiểm tra, kịp thời xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền được giao. Nhưng tại các phường có tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng cao khi xử lý các trường hợp vi phạm đã không thực hiện theo đúng thủ tục quy định.

Theo kết luận thanh tra của Sở Xây dựng, ít nhất có đến 9 vi phạm được cho là điển hình ở các phường này. Qua thanh tra, có 61 vụ khi xử lý sử dụng sai mẫu biên bản vi phạm hành chính không đúng quy định, nổi bật nhất là phường 9 với 19 vụ.

Việc đình chỉ thi công ngay từ khi phát hiện các trường hợp vi phạm nhằm hạn chế lãng phí khi công trình bị buộc phá dỡ, thế nhưng có tới 142 trường hợp vi phạm không được các phường kịp thời ban hành quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm, điển hình là phường 8 với 21 vụ, phường 9 là 19 vụ.

Theo quy định của UBND tỉnh, quy định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị có liên quan trong việc xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố, song một số phường không gửi các quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình đến các đơn vị cấp điện, nước, công an phường để phối hợp xử lý vi phạm. Cụ thể chỉ riêng phường 8 đã có 109 vụ, phường 9  có 47 vụ. Các phường 3, 4, 8 và phường 9 chưa ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng với số lượng lên tới 252 vụ vi phạm.

Việc buông lỏng quản lý, xử lý thiếu cương quyết – nếu không muốn nói là làm ngơ như: Đề xuất xử phạt hành chính chậm thời hiệu theo quy định; khi kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm có lập biên bản vi phạm hành chính và ngưng thi công xây dựng công trình nhưng không chuyển hồ sơ đề xuất người có thẩm quyền xử phạt chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng với số vụ là 206 vụ; chưa chỉ đạo tổ chức cưỡng chế công trình 73 công trình…Ngoài ra, UBND một số phường không kịp thời chỉ đạo, yêu cầu tổ chức kiểm tra, xử lý công trình vi phạm hay ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền theo quy định.

THAM MƯU TRÁI QUY ĐỊNH

Không chỉ cấp xã, phường mà ngay cả thanh tra chuyên ngành xây dựng cũng vi phạm các quy định. Mặc dù được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng đối với các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng… theo quy định thành lập của UBND tỉnh, nhưng Thanh tra xây dựng Đà Lạt đã không chấp hành đúng, đủ các quy định thuộc chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao và Quy chế hoạt động của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành.

Đó là khi kiểm tra phát hiện vi phạm trật tự xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng có lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không đề xuất Chủ tịch UBND thành phố xử phạt theo thẩm quyền đối với 20 trường hợp. Tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý công trình vi phạm trái quy định, đó là các trường hợp xây dựng không phép trên đất quy hoạch du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp thuộc diện phải phá dỡ  nhưng lại đề xuất cho chủ đầu tư liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để xin cấp giấy phép xây dựng. Không chấp hành chỉ đạo xử lý công trình xây dựng sai phép của Thanh tra Sở Xây dựng để công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, Đội Thanh tra xây dựng Đà Lạt đã không kịp thời, kiên quyết xử lý công trình vi phạm; báo cáo cấp trên xử lý trách nhiệm quản lý đối với các địa bàn có tình trạng buông lỏng quản lý, để tình trạng vi phạm kéo dài mà không có biện pháp xử lý, chấn chỉnh cán bộ thuộc quyền và UBND xã, phường, nhất là các phường có mức độ vi phạm tập trung, tăng cao như phường 3, 4, 8 và 9. Qua đó cho thấy hiệu quả công tác của Đội Thanh tra xây dựng không hoàn thành trách nhiệm, chưa kể có dư luận không tốt trong quá trình hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng tại địa phương dẫn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tăng nhưng không được xử lý đúng quy định của pháp luật.

XỬ LÝ VI PHẠM TRÊN GIẤY

Một số công trình xây dựng không phép, sai phép có quy mô lớn đến 5 tầng vẫn được hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, các yếu tố chủ quan của cán bộ, lãnh đạo Đội Thành tra xây dựng Đà Lạt, UBND các phường để xẩy ra xây dựng trái phép cao biểu hiện sự thiếu cương quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp xây dựng trên đất không phải là đất ở, lấn chiếm hành lang bảo vệ các công trình công cộng, đất công, các trường hợp sai phép vượt tầng, chiều cao thuộc diện buộc phải phá dỡ công trình nhưng không được xử lý kịp thời. Thậm chí một số công trình xây dựng không phép, sai phép có quy mô lớn đến 5 tầng vẫn được hoàn thiện đưa vào sử dụng như trường hợp ở đường Ba tháng Tư, đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn…

Số liệu báo cáo số vụ vi phạm giữa ngành chức năng và cơ quan quản lý không trùng khớp, nhiều vụ vi phạm có hồ sơ xử lý nhưng không báo cáo lên cấp trên. Hàng chục vụ vi phạm có hồ sơ xử lý vi phạm tại phường nhưng không có tại Đội Thanh tra xây dựng và ngược lại, hay Phòng Quản lý đô thị có tới 85 vụ có trong hồ sơ xử lý của phường nhưng không có hồ sơ xử lý tại phòng. Điểm qua điều này cho thấy, việc phối hợp giữa Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh tra xây dựng và các phường thiếu chặt chẽ và không đảm bảo các quy định về quản lý trật tự xây dựng do vậy dẫn đến việc hầu hết các công trình xây dựng trái phép chỉ bị lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt, cưỡng chế nhưng chỉ tồn tại trên giấy và không được thực thi trên thực tế. Hệ quả là các trường hợp vi phạm “nhờn thuốc” cố tình vi phạm do luật pháp không được thực thi nghiêm minh dẫn đến tình trạng phức tạp, khó giải quyết.

(Còn nữa)
 
HỒ XUÂN TRUNG