Tại mỗi đơn vị được kiểm tra, bên cạnh những kết quả doanh nghiệp tuân thủ tốt, đoàn thanh tra đã phát hiện từ 8 đến 13 vấn đề tồn tại, thiếu sót của doanh nghiệp.
Trong số 16 doanh nghiệp được thanh tra chủ yếu tập trung ở địa bàn thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng. Trong đó, có 7 doanh nghiệp thuộc loại hình công ty cổ phần, 8 doanh nghiệp là công ty TNHH và 1 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất, xây dựng, trồng và chế biến nông - lâm sản, dịch vụ vận tải… Tổng số lao động làm việc trong 16 doanh nghiệp tại thời điểm kiểm tra là 1.752 lao động, trong đó có 638 lao động nữ (chiếm 36,41%).
Qua đợt thanh tra, không thể không ghi nhận một số mặt doanh nghiệp đã tuân thủ tốt như có giao kết hợp đồng lao động với người lao động bằng văn bản; tiến lương trả đảm bảo thu nhập cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định; đã tham gia mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm pháp luật lao động. Trong đó, những vấn đề tồn tại phổ biến như: chưa xây dựng định mức lao động, quy chế trả lương, trả thưởng; không thực hiện báo cáo định kỳ về tai nạn lao động, công tác bảo hộ lao động; chưa phân định trách nhiệm làm công tác an toàn lao động, chưa tổ chức mạng lưới an toàn vệ sinh viên, chưa trang bị bảng nội quy an toàn, quy trình vận hành thiết bị; chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, hoặc tổ chức khám chưa đầy đủ; nhiều đơn vị chưa lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm…
Tại mỗi đơn vị được kiểm tra, bên cạnh những kết quả doanh nghiệp tuân thủ tốt, đoàn thanh tra đã phát hiện từ 8 đến 13 vấn đề tồn tại, thiếu sót của doanh nghiệp. Kết quả thanh tra lao động tại Công ty CP Đầu tư Xây dựng thủy lợi Lâm Đồng, đoàn thanh tra đã chỉ ra 13 vấn đề còn tồn tại tại doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động. Chẳng hạn, đơn vị đã chưa tính tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp vào tiền lương của lao động thời vụ; chưa xây dựng quy chế tiền lương, tiền thưởng và trả lương không đúng với hệ thống thang bảng lương đã đăng ký với cơ quan lao động; chưa xác định rõ số lái xe chuyên dùng là lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm để thực hiện các chế độ theo quy định; chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động theo quy định…
Tại Công ty TNHH Mai Linh Lâm Đồng, đoàn thanh tra đã chỉ ra 10 tồn tại, trong đó có những vấn đề hết sức nghiêm trọng, vi phạm pháp luật lao động. Đó là việc Công ty xử lý kỷ luật lao động không đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định và thu tiền phạt người lao động trái pháp luật. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, Công ty đã xử lý 209 lao động, trong đó khiển trách 188 lao động và sa thải 21 lao động. Điều đáng nói là trong số 209 vụ xử lý kỷ luật lao động, Công ty đã buộc bồi thường trách nhiệm vật chất và phạt do vi phạm quy chế Công ty với tổng số tiền hơn 467 triệu đồng. Trình tự xử lý kỷ luật lao động và buộc bồi thường trách nhiệm vật chất tại đây được xác định là trái với quy định của pháp luật. Ngoài ra, một số lái xe taxi làm việc 24/24 giờ trong ngày theo đơn xin làm thêm giờ của người lao động đã được giám đốc Công ty ký đồng ý là vi phạm pháp luật lao động.
Hàng năm, cơ quan Thanh tra lao động vẫn đều đặn tổ chức các đợt thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm và đã nhắc nhở, khuyến cáo, thậm chí đã xử phạt… nhưng xem ra hiệu quả chưa cao, những tồn tại ở một số doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục. Tại sao vẫn còn quá nhiều tồn tại trong thực thi pháp luật lao động tại các doanh nghiệp? Phải chăng còn thiếu chế tài, hay chế tài chưa đủ mạnh để xử lý, răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm? Một số ý kiến của cán bộ làm việc trong lĩnh vực lao động cho rằng, chế tài không thiếu, chỉ do thực thi chưa nghiêm. Theo quy định của pháp luật, mỗi vi phạm của doanh nghiệp trong thực hiện pháp luật lao động có thể bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, cũng có những vi phạm có khung hình phạt từ 15 - 30 triệu đồng, đồng thời buộc đơn vị phải khắc phục trong một thời gian nhất định… Như vậy, với mức độ vi phạm từ 8 - 13 điểm như các doanh nghiệp được thanh tra vừa qua có thể bị phạt tiền từ 60 đến trên 100 triệu đồng. Quan trọng hơn, khi doanh nghiệp bị phạt thì uy tín, thương hiệu của đơn vị bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thực tế không có nhiều doanh nghiệp bị xử lý, nếu có xử lý cũng hết sức “nhẹ nhàng”, “giơ cao đánh khẽ”… Cứ như thế, nhiều lần “giơ cao đanh khẽ’ doanh nghiệp trở nên “nhờn đòn” và vi phạm, rồi tái phạm…(!)
Đành rằng công tác thanh kiểm tra không chỉ phát hiện, xử phạt doanh nghiệp, mà còn nhắc nhở, chấn chỉnh và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu bỏ qua các chế tài xử lý và xem nhẹ công tác phúc tra thì sẽ dẫn đến hiện tượng “nhờn thuốc”, tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật lao động ngày càng trầm trọng hơn. Chúng tôi cũng hết sức băn khoăn, khi hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra lần này đều có tổ chức công đoàn, nhưng với bấy nhiêu tồn tại, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà vẫn chưa thấy dấu ấn của công đoàn. Xem ra, khi doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm pháp luật lao động, thì chỉ có người lao động là đối tượng chịu thiệt.