Số là ông K’Breo ( 63 tuổi, ngụ tại xã Gung Ré, huyện Di Linh) có một thửa đất rộng 635 m2 thuộc thửa 291, tờ bản đồ 76D tọa lạc tại xã Tân Châu, huyện Di Linh. Đây là diện tích đất mà năm 1974, K’Breo sang nhượng lại của ông K’Hoa có giấy tờ sang nhượng và ký chứng thực...
Năm 1994, ông K’Breo cho K’Nêl (45 tuổi, ngụ tại xã Tân Châu, huyện Di Linh) mượn số đất trên để canh tác và làm nhà ở. Ngần ấy thời gian, diện tích đất này vẫn chưa làm thủ tục để cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cuối năm 2008, UBND huyện Di Linh ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất trên để xây dựng trường học, sau đó K’Nêl nhận được gần 150 triệu đồng tiền bồi thường giá trị sử dụng đất và hoa màu từ Ban đền bù, giải phóng mặt bằng của UBND huyện.
Biết chuyện, K’Breo đến đòi 82 triệu đồng tiền bồi thường giá trị sử dụng đất trong tổng số gần 150 triệu đồng mà K’Nêl đã nhận và cho rằng K’Nêl chỉ được 68 triệu đồng tiền bồi thường hoa màu theo bảng chiết tính của UBND huyện, với lý do đất của mình nên phải được nhận bồi thường.
Hai bên phát sinh tranh chấp, K’Breo khẳng định đất trên chỉ cho K’Nêl mượn sử dụng canh tác và làm nhà ở. Ngược lại, K’Nêl cho rằng K’Breo đã cho vợ chồng mình diện tích đất này nên nhất định không chịu đưa tiền.
K’Breo kiện K’Nêl ra Tòa án nhân dân huyện Di Linh, một mực đòi 82 triệu đồng tiền bồi thường giá trị diện tích đất được đền bù. Điều đáng nói hai bên không xuất trình được giấy tờ chứng minh việc mượn hay tặng cho diện tích đất trên.
Tại phiên sơ thẩm vào đầu tháng 8/2011, Tòa án nhân dân huyện Di Linh tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi hoàn trả tiền bồi thường giá trị diện tích đất của K’Breo. Ngoài ra còn buộc K’Breo nộp hơn bốn triệu đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản liên quan thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp tiền bồi thường thu hồi đất… thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện.
Việc Tòa án nhân dân huyện Di Linh thụ lý, giải quyết vụ kiện là không đúng thẩm quyền, dẫn đến phán quyết chưa thấu tình, đạt lý làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Vì lẽ trên nên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kháng nghị phúc thẩm yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh hủy toàn bộ bản án của cấp tòa sơ thẩm; yêu cầu đình chỉ giải quyết vụ kiện, chuyển hồ sơ cho UBND huyện Di Linh giải quyết theo đúng thẩm quyền.