Vẫn phức tạp tình trạng phá rừng ở Lâm Hà

03:10, 12/10/2011

Phá rừng đông người, cảnh giới từ xa khi vận chuyển gỗ trái phép, cưa xẻ cây rừng bằng máy cầm tay tốc độ cao… là những thủ đoạn mới của lâm tặc.

Phá rừng đông người, cảnh giới từ xa khi vận chuyển gỗ trái phép, cưa xẻ cây rừng bằng máy cầm tay tốc độ cao… là những thủ đoạn mới của lâm tặc đã và đang thách thức những người thực hành công vụ quản lý, bảo vệ rừng ở Lâm Hà.

Ông Đỗ Văn Thủy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lâm Hà cho biết, cơ quan điều tra huyện Lâm Hà đang hoàn tất hồ sơ, xử lý theo pháp luật 24 người trực tiếp phá rừng tại Tiểu khu 243, thuộc xã Phi Tô. Sự việc xảy ra vào ngày 23/4/2011, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban đã kiểm tra và bắt quả tang ông Ha Gram (sinh năm 1968, trú tại thôn 4, xã Đạ Đờn, Lâm Hà) cùng với 15 người khác (ngụ tại thôn 4 xã Đạ Đờn và thôn Buôn Chuối, xã Mê Linh, Lâm Hà) đang dùng dao phát và xà gạc chặt phá trên 1 ha rừng. Sau đó, vào các ngày 11 và 15/6/2011, cũng tại Tiểu khu 243, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban tiếp tục bắt quả tang ông K’Miên (sinh năm 1972, trú tại thôn Thực Nghiệm, xã Mê Linh, Lâm Hà) cùng với 7 người đàn ông khác (ở cùng thôn với K.Miên) đang tham gia chặt phá 0,2 ha rừng. Ngay trong ngày 15/6/2011, Hạt Kiểm lâm Lâm Hà tiến hành lập biên bản ghi lời khai của đối tượng phá rừng - ông K.Miên. Theo đó, ông K’Miên khai rằng, nhóm 8 người của ông đang phá rừng thuê cho người đàn bà tên Hằng, ở tại khu vực Bãi Thiếc của xã Phi Tô, Lâm Hà. Ngày 4/7/2011, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban chuyển hồ sơ phá rừng của nhóm ông Ha Gram đến Hạt Kiểm lâm Lâm Hà. Ngày 8/7/2011, Ha Gram khai trước Hạt Kiểm lâm Lâm Hà: “…Bà Hằng chỉ chỗ cho tôi phá rừng, cho tôi số điện thoại để liên lạc. Chúng tôi mới phát trắng cho bà Hằng khoảng 3 ha…”.

Ngày 20/7/2011, Hạt Kiểm lâm Lâm Hà ra quyết định khởi tố vụ án hình sự phá rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban. Trước đó, ngày 23/6/2011, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà cùng với các cơ quan cấp huyện như Viện Kiểm sát, Công an, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, tiến hành khám nghiệm hiện trường phá rừng tại Tiểu khu 243, xã Phi Tô, Lâm Hà. Kết quả diện tích rừng phòng hộ bị thiệt hại ở đây là 11,5 ha. Mức độ thiệt hại 100% gồm cây tạp xen lồ ô, đường kính từ 13cm đến 20cm, chiều cao từ 7m đến 10m. Qua đấu tranh lấy lời khai của Hạt Kiểm lâm Lâm Hà, “bà Hằng” thuê phá rừng có tên đầy đủ là Phan Thị Hằng, đã thuê những người phá rừng nói trên với giá 5 triệu đồng/ha; cứ phá được diện tích bao nhiêu thì đo đếm thanh toán số tiền mặt tương ứng bấy nhiêu.

Trước đó, Hạt Kiểm lâm Lâm Hà cũng đã quyết định khởi tố hình sự 1 vụ phá rừng làm nương rẫy xảy ra trong khu vực rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, thiệt hại hơn 1,92 ha; và 1 vụ phá rừng khác trong khu vực quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh gây thiệt hại gần 0,56 ha rừng. Đối tượng phạm pháp có cả người thường trú và tạm trú tại địa phương, lợi dụng những ngày nghỉ, giờ nghỉ của công sở hành chính, mang rìu búa và dao phát vào rừng, chặt trước những cây nhỏ để đào hố trồng cà phê; cuối cùng mới chặt hạ trắng những cây rừng lớn còn lại. Tuy nhiên, cũng có vụ phá gần 1,5 ha rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, thiệt hại gần 87,6 mét khối gỗ tròn, thuộc rừng lá rộng, nhưng chỉ để lại hiện trường dấu vết chặt hạ cây rừng bằng cưa máy xanh cầm tay và dao phát; còn nhóm thủ phạm đã cắt cử người cảnh giới từ xa nên đã kịp tẩu thoát trước khi lực lượng chức năng đến hiện trường.

Không chỉ phá rừng tạp, ở Lâm Hà lâm tặc còn liều lĩnh chặt hạ những cây rừng quý hiếm. Điển hình như ngày 08/7/2011, lực lượng kiểm lâm Lâm Hà truy quét tại Tiểu khu 250, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh, phát hiện 3 cây gỗ quý bị chặt hạ trái phép gồm: 01 cây du sam có khối lượng hơn 3,12 mét khối; 02 cây bạch tùng có khối lượng gần 13,8 mét khối. Không bắt được đối tượng phạm pháp quả tang, Hạt Kiểm lâm Lâm Hà tổ chức lực lượng truy tìm quanh vùng thì phát hiện một chòi cà phê đang cất giấu 41 hộp gỗ xẻ bạch tùng, tổng khối lượng hơn 3,4 mét khối. Hạt đã tham mưu UBND huyện Lâm Hà ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Ngô Văn Thế, người chủ cất giữ lâm sản trái phép, đồng thời tịch thu toàn bộ số gỗ quý hiếm này.

Thống kê từ đầu năm 2011 đến nay, Hạt Kiểm lâm Lâm Hà đã phát hiện, xử lý 25 vụ phá rừng trái phép. Con số này nếu so với cùng kỳ năm 2010 thì giảm đến 29 vụ, nhưng diện tích rừng thiệt hại tăng hơn 7,25 ha. Những địa bàn trọng điểm xảy ra phá rừng là các xã Đạ Đờn, Phi Tô, Gia Lâm, Đông Thanh. Mặc dù luôn tăng cường phối hợp giữa cơ quan kiểm lâm với cơ quan quân sự, công an huyện và chính quyền địa phương, nhưng tình trạng phá rừng ở các địa bàn này vẫn diễn biến phức tạp là do công tác tuyên truyền chưa thực sự thiết thực và việc ngăn chặn, phòng ngừa cũng chưa có những phương án chủ động, hiệu quả.

VĂN VIỆT