Theo cơ quan điều tra, năm 2008, trong quá trình thi hành hai bản án dân sự về giải quyết tranh chấp đất và nhà của bà Phạm Thị Hồng (chủ doanh nghiệp tư nhân Hồng Hưng) ở 357 Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt, ông Nguyễn Long Vân đã ban hành một số quyết định trái pháp luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhiều tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, năm 2008, trong quá trình thi hành hai bản án dân sự về giải quyết tranh chấp đất và nhà của bà Phạm Thị Hồng (chủ doanh nghiệp tư nhân Hồng Hưng) ở 357 Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt, ông Nguyễn Long Vân đã ban hành một số quyết định trái pháp luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhiều tỷ đồng.
Được biết, hồi cuối tháng 6 vừa qua, cùng với tống đạt quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc của bị can Nguyễn Long Vân; qua đó đã thu giữ một số tài liệu có liên quan đến vụ án để phục vụ công tác điều tra. Trước đó, năm 2010, ông Nguyễn Văn Hiển – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng (hiện là Cục trưởng) – đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Long Vân và ông Trần Hữu Phước (Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt). Đồng thời, cũng trong năm 2010, Viện KSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi ra quyết định trái pháp luật xảy ra tại Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt.
Trong nhiều năm qua, bà Phạm Thị Hồng, chủ DNTN Hồng Hưng, đã gửi nhiều đơn thư cầu cứu đến các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương cùng các cơ quan báo chí phản ánh về việc cơ quan thi hành án dân sự TP Đà Lạt cùng Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Lâm Đồng đã cố tình làm trái các quy định của pháp luật trong việc thực hiện kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản của bà gây thiệt hại lớn cho bà. Bà Hồng là một trong những người giàu có khá nổi tiếng ở Đà Lạt. Tuy nhiên, từ chuyện vay mượn và cầm cố tài sản, bà Hồng trở thành bị đơn trong một vụ kiện đòi nợ và bị Toà án nhân dân TP Đà Lạt tuyên buộc phải trả cho hai người phụ nữ số tiền 48 tỷ đồng cùng khoản nợ hơn 30 tỷ đồng cho một số người khác. Bởi vậy, vào tháng 10.2008, khối tài sản của bà Hồng gồm lô đất rộng đến 4.000m2 ngay mặt tiền đường Phan Đình Phùng cùng 4 khu nhà và 5 trạm xăng ở Đà Lạt bị Chi cục Thi hành án TP Đà Lạt kê biên, định giá và bán đấu giá với những dấu hiệu bất bình thường. Trong khi, khối tài sản này nếu theo giá thị trường thời điểm đó lên đến gần trăm tỷ đồng thì cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng chỉ định giá 37 tỷ đồng; và điều đáng nói là việc định giá lại dựa trên những văn bản hết hiệu lực. Bởi vậy, ngay sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc và yêu cầu định giá lại khối tài sản này; và, theo Công ty cổ phần Định giá Miền Nam định giá (theo yêu cầu của Công an Lâm Đồng) thì khối tài sản nói trên phải ở mức 61 tỷ đồng.
Không chỉ việc định giá 37 tỷ đồng của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng “có vấn đề” mà việc “bán đấu giá” cũng khiến cho dư luận quan tâm một cách đặc biệt. Quan tâm bởi lẽ: Phiên bán đấu giá chỉ có 3 người tham gia và giá “chốt lại” chỉ nhỉnh hơn giá sàn đưa ra 20 triệu đồng, và người thắng trong cuộc đua “đấu giá” này chính là chủ một doanh nghiệp giàu có ở Đà Lạt và cũng chính là người nhà của ông Phó GĐ Sở Tư pháp Lâm Đồng lúc bấy giờ. Nói cách khác, đó là một kịch bản đã dàn dựng sẵn từ khâu kê biên, định giá đến đấu giá tài sản của cơ quan thi hành án dân sự TP Đà Lạt dưới sự điều hành của ông Nguyễn Long Vân và cả ông Trần Hữu Phước.
Vụ việc trên với sự tham gia “tích cực” của Phó trưởng Chi cục Thi hành án dân sự Đà Lạt Nguyễn Long Vân, không những gây thiệt hại cho chủ DNTN Hồng Hưng vài mươi tỷ đồng mà lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự TP Đà Lạt còn chỉ đạo kế toán rút một khoản tiền gần 3 tỷ đồng từ tiền bán đấu giá tài sản để gửi tiết kiệm tại ngân hàng.