Một năm qua với số lượng án tăng, giảm khác nhau, nhưng tính chất phức tạp của từng loại án ở Lâm Đồng vẫn tiếp tục đặt ra những biện pháp giải quyết với tiến độ nhanh hơn, nâng chất lượng cao hơn trong năm tới.
Một năm qua với số lượng án tăng, giảm khác nhau, nhưng tính chất phức tạp của từng loại án ở Lâm Đồng vẫn tiếp tục đặt ra những biện pháp giải quyết với tiến độ nhanh hơn, nâng chất lượng cao hơn trong năm tới.
Số liệu của TAND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Năm 2011, toàn ngành tòa án Lâm Đồng thụ lý gần 1.180 vụ án hình sự, với gần 2.080 bị cáo, tăng 21 vụ so với năm 2010. Kết quả toàn ngành đã giải quyết gần 1.170 vụ với 2.055 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,2%. Trong đó riêng TAND tỉnh Lâm Đồng giải quyết 61 vụ án sơ thẩm, 174 vụ án phúc thẩm và 02 vụ án giám đốc thẩm. Chiếm số vụ án hình sự nhiều nhất là tội phạm trộm cắp tài sản với 269 vụ/411 bị cáo. Tiếp theo là số vụ vi phạm giao thông với 142 vụ/149 bị cáo; cố ý gây thương tích với 107 vụ/187 bị cáo. Còn lại là số vụ án ma túy với 81vụ/103 bị cáo; đánh bạc với 46 vụ/229 bị cáo; cướp tài sản với 45 vụ/114 bị cáo; giết người với 37 vụ/120 bị cáo. Mức hình phạt cao nhất đã tuyên xử tử hình 1 bị cáo về tội danh giết người; phạt tù chung thân 02 bị cáo phạm tội giết người và 1 bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, đã xử phạt tù có thời hạn 1.526 bị cáo.
Tính chung 2 cấp tòa án trong tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tích cực với cơ quan tiến hành tố tụng, xác định các loại án hình sự trọng điểm để kịp thời giải quyết; đã tổ chức xét xử lưu động về các địa phương trong tỉnh với 174 vụ án. Đáng chú ý, TAND tỉnh Lâm Đồng đã xét xử sơ thẩm lại, phạt 5 năm tù giam đối với bị cáo Dương Xuân Túy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, phạm tội “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Tòa án 2 cấp trong tỉnh Lâm Đồng cũng đã xử phạt tù gần 630 bị cáo nhưng cho hưởng án treo, chiếm tỷ lệ 38,4% số bị cáo, đã xét xử sơ thẩm.
Thống kê với số vụ án dân sự thụ lý trong năm 2011 giảm 133 vụ so với năm 2010. Tính chung toàn ngành tòa án tỉnh Lâm Đồng đã giải quyết hơn 1.760 vụ án dân sự năm 2011, đạt tỷ lệ 88,2%. Báo cáo của Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng nêu: “Tuy số lượng án dân sự có giảm so với năm trước, nhưng tính chất các tranh chấp vẫn rất phức tạp, nhất là những tranh chấp liên quan đến đất đai, mua bán tài sản, di sản thừa kế, vay nợ trong dân cư…”. Trong quá trình giải quyết án dân sự, tòa án 2 cấp trong tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng đến công tác hòa giải; đã hòa giải thành công 466 vụ, chiếm ½ số vụ án đã thụ lý. Tập trung nhiều biện pháp giải quyết hữu hiệu trong năm 2011, toàn ngành tòa án tỉnh Lâm Đồng đã giảm 118 vụ án dân sự quá hạn so với năm 2010. Tương tự, số lượng án hôn nhân và gia đình thụ lý trong năm 2011 đã giảm 14 vụ so với năm 2010, đã hòa giải đoàn tụ 107 vụ, chiếm 6% tổng số vụ thụ lý. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn khá phức tạp: 130 vụ nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; 116 vụ bị đánh đập, ngược đãi; 97 vụ ngoại tình. Ngoài ra, trong năm 2011, toàn ngành tòa án tỉnh Lâm Đồng đã giải quyết sơ thẩm và phúc thẩm với 90 vụ án kinh doanh thương mại, đạt tỷ lệ 96,2%. Đồng thời giải quyết 09 vụ án lao động, hành chính, đạt tỷ lệ 85%.
Sau một năm giải quyết các loại án phức tạp, ngành tòa án tỉnh Lâm Đồng đã không để xảy ra oan sai, lọt tội đối với án hình sự; và hạn chế dần số án quá hạn luật định đối với án dân sự. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn còn 54 bản án, quyết định bị hủy do có nguyên nhân chủ quan của thẩm phán như: vi phạm tố tụng; chưa đầy đủ trong việc xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu giám định; không đúng trong xác định quan hệ tranh chấp… Với án dân sự quá hạn, tuy đã giảm đáng kể như đã nói ở trên, nhưng vẫn còn tồn đọng 50 vụ. Nguyên nhân tồn đọng này - theo Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng - chủ yếu là do đương sự, bị đơn cố tình trốn tránh, kéo dài việc giải quyết khi thấy bất lợi; nhiều trường hợp đương sự cố tình vắng mặt, phải tiến hành định giá, thẩm định tài sản nhiều lần. Cũng có vụ có yếu tố nước ngoài, phải chờ thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự; lại có trường hợp đương sự chết trong khi vụ án đang giải quyết nên phải xác định lại người thừa kế tham gia tố tụng. Mặt khác, một số vụ án phải chờ văn bản trả lời của các cơ quan thẩm quyền như văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan tài nguyên môi trường, kết quả định giá, thẩm định…
Trong năm 2012 với các loại án vẫn có chiều hướng tiếp tục phát sinh phức tạp, ngành tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng thống nhất đưa ra một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất và lượng giải quyết từng vụ án là tăng cường trách nhiệm cụ thể của từng thẩm phán được phân công.
VĂN VIỆT