Chiều 20/2, tại TP Đà Lạt, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở KH&CN, Sở Công Thương, Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT, Sở TT-TT; thành viên trong Tổ Tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH tỉnh, đại diện Liên đoàn Lao động, Công đoàn doanh nghiệp tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý cho Dự thảo Dự án luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Chiều 20/2, tại TP Đà Lạt, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở KH&CN, Sở Công Thương, Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT, Sở TT-TT; thành viên trong Tổ Tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH tỉnh, đại diện Liên đoàn Lao động, Công đoàn doanh nghiệp tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý cho Dự thảo Dự án luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Đại biểu góp ý cho Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi). |
Dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá có 5 chương, 33 điều quy định rõ về phạm vi điều chỉnh, với các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ luật cũng thể hiện chi tiết việc giải thích từ ngữ, và những điều luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc, chính sách của Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước, hợp tác quốc tế..., trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá... Các biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Tại hội thảo, hầu hết đại biểu đều thống nhất cao với nội dung, bố cục cũng như việc cần thiết phải ban hành Bộ luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Không những vậy, một số đại biểu còn có ý kiến đề xuất cần phải làm quyết liệt hơn, cụ thể là cấm ngay việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, không ít đại biểu lại cho rằng về mặt văn bản luật đã thể hiện khá rõ nhưng nếu khi ban hành có thể sẽ rất khó thực hiện, và nên chăng cần vạch ra một lộ trình để đến thời gian nào thì cấm hẳn. Nói chung, để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân nên cần thiết phải ban hành bộ luật phòng chống tác hại của thuốc lá, nhưng trong một thời điểm mà bỏ ngay thì là rất khó đối với người nghiện, biện pháp hữu hiệu là tiếp tục tuyên truyền, vận động trước khí tiến tới xóa bỏ hoàn toàn. Cũng theo những đại biểu này, để dự án luật sớm đi vào cuộc sống, cần bổ sung thêm một số quy định cụ thể về thẩm quyền, chức năng xử phạt của tổ chức, cá nhân trong việc giám sát, xử lý khi phát hiện các đối tượng vi phạm luật. Nên đưa các đối tượng buôn bán lẻ thuốc lá vào luật để giám sát, quản lý; và đánh thuế cao đối với thuốc lá...
Trước đó, trong sáng cùng ngày, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Sở Nội vụ, Liên Đoàn lao động, Bảo hiểm xã hội cùng các thành viên của Tổ tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức góp ý cho Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi).
Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 258 điều qui định rõ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; việc làm, hợp đồng lao động, thương lượng và thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, những qui định riêng đối với lao động nữ, đối với lao động chưa thành niên; vai trò của công đoàn trong quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động, quản lý Nhà nước về lao động và thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật lao động...
Góp ý tại hội thảo, các ý kiến đã thống nhất cao với bố cục cũng như nội dung của dự thảo dự án Bộ luật này; đồng thời tập trung góp ý một số vấn đề chính như qui định về tiền lương, tiền lương tối thiểu; về hợp đồng lao động, về thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể, về thời giờ làm thêm, thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, về tuổi nghỉ hưu và về giải quyết tranh chấp lao động. Đối với thời hạn lao động nhất định, các ý kiến cho rằng: cần có qui định cụ thể về thời hạn lao động nhất định là bao nhiêu. Ngoài ra, nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu cũng nêu Bộ luật lao động sửa đổi cần qui định rõ về biện pháp đảm bảo tài sản, thời hạn hợp đồng lao động, hợp đồng lao động cho từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, cần sửa đổi một số từ ngữ đảm bảo tính chuẩn xác trong việc qui định về tiền lương thử việc, trợ cấp mất việc làm, thanh toán tiền tàu xe, trả phí dịch vụ qua ATM cho người lao động. Đặc biệt, nhiều đại biểu quan tâm, thống nhất với việc nâng thời hạn nghỉ thai sản đối với lao động bình thường từ 4 lên 5 tháng, và lao động nặng nhọc, trong môi trường độc hại lên 6 tháng.
Chủ tọa hội thảo góp ý cho hai Dự thảo Dự án Luật nói trên, ông Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu để trình Quốc hội trong kỳ hộp tới để Quốc hội xem xét thông qua.
THỤY TRANG